Hôm nay (18/12), tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức diễn đàn các bên liên quan trong giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng tại Việt Nam.
Đây là dự án được triển khai từ năm 2005, do Tổ chức Hợp tác quốc tế về giáo dục của Hà Lan tài trợ tại 8 trường đại học trên cả nước. Mục tiêu của dự án là phát triển các chương trình đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động, nhằm cung cấp đủ lượng sinh viên tốt nghiệp đại học có kiến thức, kỹ năng phù hợp với từng nhóm nghề nghiệp cụ thể; củng cố và hoàn thiện chương trình đào tạo đại học theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng gắn liền với nhu cầu thị trường lao động. Giai đoạn 2 của dự án (POHE2) được triển khai từ năm 2012 đến 2015.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đao tạo, sau gần 10 năm triển khai, 85% sinh viên theo học chương trình này đã tìm được việc làm trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, 8 trường thụ hưởng dự án đang tiếp tục mở rộng thêm các chương trình đào tạo khác với tổng số 50 chương trình đào tạo.
Tại diễn đàn, hơn 200 đại biểu đến từ các trường đại học, cơ quan sử dụng lao động, cơ quan quản lý nhà nước tập trung thảo luận 3 chủ đề chính gồm: thực trạng giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp tại Việt Nam hiện nay; định hướng phát triển giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp tới năm 2020; những biện pháp hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp năm 2020.
Theo các đại biểu, yếu kém trong đào tạo bậc đại học ở Việt Nam là thiếu sự gắn với kết doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, dẫn đến nhiều sinh viên không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Để thực hiện các chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp thì các bên liên quan gồm: nhà trường, đơn vị sử dụng lao động, các tổ chức xã hội... phải có sự hợp tác trong việc xây dựng chương trình đào tạo, tạo môi trường thực tập thuận lợi cho sinh viên. Tuy nhiên, hiện nay việc phối hợp giữa các bên liên quan chủ yếu dựa vào mối quen biết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Giám đốc dự án trong giai đoạn 2 cho biết: “Để gắn kết được giữa nhà trường và doanh nghiệp, không chỉ cần sự cố gắng, quyết tâm của nhà trường mà cả của các doanh nghiệp, của các đơn vị sử dụng lao động. Trên thực tế, Luật Giáo dục đại học cũng đã đưa ra những khuyến khích, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc tham gia vào quá trình đào tạo. Tuy nhiên, để triển khai trên thực tiễn, chúng ta cần có những mô hình cụ thể, có những kinh nghiệm thực tiễn. Trong thời gian tới, chúng tôi hi vọng tìm ra được những giải pháp hữu hiệu để giúp cho việc tăng cường mối quan hệ này”./.