Hôm nay (21/10) tại trụ sở Chính phủ Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến công tác ATGT toàn quốc 9 tháng năm 2017, triển khai các giải pháp đảm bảo ATGT những tháng cuối năm với Ban ATGT 63 tỉnh, thành trong cả nước.

thb1_rrts.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh TD.

Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo ATGT 9 tháng đầu năm được Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức vào sáng nay (21/10), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình khẳng định, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo đồng bộ các giải pháp có tính căn cơ với mong muốn kéo giảm TNGT, các bộ ngành đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách để kiểm soát trật tự ATGT. Tuy nhiên, TNGT vẫn còn diễn biến phức tạp, TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra, gây thiệt hại lớn  đến tài sản và tính mạng của nhân dân, bức xúc trong dư luận xã hội.

Điển hình là gần đây đã xảy ra 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Tây Ninh làm chết 6 người, bị thương 10 người và tại Cần Thơ làm chết 2 người, bị thương 4 người.

Đáng chú ý, các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trong đều liên quan đến xe chở khách. Còn tồn tại các điểm đen TNGT, đường ngang dân sinh, điểm gia cắt giữa đường sắt và đường bộ không đảm bảo dẫn đến TNGT nghiêm trọng đường sắt.

Ngoài ra, tình trạng xe dù bến cóc, xe quá tải trọng có xu hướng tăng mạnh và có biểu hiện coi thường pháp luật làm mất trật tự ATGT, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn vẫn còn diễn biến phức tạp.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, các đơn vị cần nghiêm túc chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, yếu kém, chỉ ra các nguyên nhân nhất là kiểm điểm việc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông, xử lý điểm đen TNGT trên đường bộ và đường sắt, quản lý kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Cần phải xử lý mạnh xe chở quá tải trên các tuyến đường hiện nay

“Không báo cáo chung chung mà cần tập trung vào những nội dung đã chỉ đạo, đề xuất các giải pháp trong tâm góp phần kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí, đặc biệt là giảm TNGT đặc biệt nghiêm trọng", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Trong 9 tháng đầu năm, lực lượng công an đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT theo các chuyên đề. Đã kiểm tra, xử lý gần 3,5 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền trên 2.000 tỷ đồng, tạm giữ 535.934 phương tiện.

TNGT giảm cả số vụ, số người chết so với năm ngoái

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, tình hình TNGT 9 tháng đầu năm (tính từ ngày 16/12/2016 đến 15/9/2017), toàn quốc xảy ra trên 14.300 vụ, làm chết trên 6.100 người, bị thương trên 11.700 người. So với cùng kỳ 2016, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, số vụ TNGT giảm 966 vụ, số người chết giảm 330 người, số người bị thương giảm 1.810 người.

Hiện trường vụ TNGT sáng 2/10, trên đường 784, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh giữa 2 xe ô tô làm 6 người chết tại hiện trường và nhiều người bị thương.

Đánh giá về tồn tại, hạn chế trong đảm bảo ATGT 9 tháng đầu năm, ông Hùng cho biết, TNGT vẫn diễn biến phức tạp, TNGT hàng hải tăng cao đột biến so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tỷ lệ TNGT ở trẻ em vẫn còn cao so với tỷ lệ bình quân thế giới và khu vực, đặc biệt là tại Hà Nội và TPHCM. Vẫn còn xảy ra 68 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ô tô kinh doanh vận tải, phương tiện đường sắt, đường thuỷ nội địa làm 218 người chết, bị thương 201 người và thiệt hại lớn về tài sản gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo ông Hùng, nguyên nhân dẫn đến một số tồn tại, hạn chế nêu trên là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn chưa quyết liệt chỉ đạo công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về trật tự ATGT.

"Hiện còn tồn tại các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT chưa được xử lý dứt điểm, đặc biệt là tình trạng nút giao thông, điểm giao cắt đường bộ, đường sắt không đảm bảo an toàn; lối đi dân sinh trái phép tồn tại tràn lan trên hệ thống đường sắt với 5.700 điểm giao cắt, trong đó có trên 1.500 đường ngang hợp pháp có cảnh báo và 4.268 lối đi dân sinh bất hợp pháp”, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho hay.

Bên cạnh đó, theo ông Khuất Việt Hùng cho rằng hiện nay một bộ phận người thực thi công vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định (đặc biệt là trong kiểm soát tải trọng phương tiện, quản lý xe ô tô kinh doanh chở khách theo hợp đồng, quản lý bến bãi đường bộ, đường thuỷ nội địa, quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Bên cạnh đó, hệ thống quy định pháp luật bảo đảm trật tự ATGT mặc dù đã có nhưng còn thiếu hoặc bất cập dẫn tới vướng mắc, đạt hiệu quả chưa cao trong tổ chức thực hiện.

“Hạn chế về ý thức chấp hành pháp luật trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông; trình độ, kỹ năng điều khiển phương tiện của một bộ phận người lái xe ô tô, lái xe mô tô còn thấp; đặc biệt là hạn chế về ý thức đạo đức, nghề nghiệp của một bộ phận lái xe, thuyền viên trong hoạt động kinh doanh vận tải", ông Hùng cho biết thêm.

Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, 43 tỉnh, thành phố có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2016, trong đó 9 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Cao Bằng, Cà Mau, Quảng Ninh, Lào Cai, Thái Nguyên, Điện Biên, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Yên Bái.

Đặc biệt Cà Mau, Cao Bằng, Quảng Ninh giảm trên 35% số người chết do TNGT.

15 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2016, trong đó 8 tỉnh tăng trên 10% là: Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Trị, Cần Thơ, Hải Phòng, Tuyên Quang, Hậu Giang, Lai Châu.

Trong 8 tỉnh này, Hậu Giang và Lai Châu có số người chết tăng trên 40%./.