Hơn 4 năm qua, người dân ở thôn 2 và thôn 4 của xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk liên tục kiến nghị lên các ngành chức năng của tỉnh về tình trạng mỏ đá Ea Tul của Công ty An Nguyên nổ mìn khai thác đá gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại về tài sản, cuộc sống bị đảo lộn.

Đến nay, các hộ dân ở đây vẫn chưa được giải quyết đền bù thỏa đáng, phải chịu lượng khói bụi nhiều, tiếng ồn lớn, nhà bị nứt xuống cấp nghiêm trọng; việc sản xuất bị ngưng trệ, ảnh hưởng lớn đến đời sống.

mo_da_hrsa.jpg

Tường nhà chị Lê Thị Kiều Anh bị nứt chằng chịt do Công ty An Nguyên 

nổ mìn khai thác đá

4 sào đất của gia đình anh Bùi Đình Thân ở thôn 2, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, cách mỏ đá của Công ty An Nguyên (có trụ sở tại 42 Bà Triệu, thành phố Buôn Ma Thuột) chừng 500m. Trước đây, mỗi năm diện tích này cho thu lãi khoảng 160 triệu đồng từ việc nuôi 10 con lợn nái, khoảng 60 con lợn thịt, hơn 5 tạ cá từ 1 sào ao và khoảng 300 cây cà phê.

Từ năm 2011, Công ty An Nguyên mở rộng phạm vi nổ mìn khai thác đá, làm cho khói bụi bay vào vườn khiến cà phê giảm một nửa năng suất; tiếng nổ mìn lớn, độ rung chuyển mạnh làm cho đàn lợn nái không thể đậu thai sinh sản, lợn thịt và cá nuôi trong ao không lớn được, thiệt hại của gia đình ước tính hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Thân cho biết: “Mỏ đá chưa làm mạnh thì chăn nuôi được, giờ mỏ đá về đây nổ mìn càng ngày càng lớn, càng gần thì gia đình không nuôi được nữa vì tác động mỗi lần nổ mìn các chất độc, heo nuôi nhảy lên hỏng hết, cá cũng nhảy lên không lớn được. Nổ mìn có khi văng cả đá vào nhà, vừa rồi họ có về lập biên bản mỏ đá nổ văng vào trang trại chăn nuôi của tôi nhưng chưa thấy nói gì cả”.

Năm 2011, chị Lê Thị Kiều Anh ở thôn 4, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar xây căn nhà trị giá gần 400 triệu đồng. Thời điểm này, Công ty liên tục nổ mìn với cường độ mạnh khiến dầm móng nhà bị nứt toác với hàng chục đường dài lên tới hơn 1m, trần nhà thì bị sập sệ, các bức tường với hàng trăm vết nứt chằng chịt, ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng. Không thể ở tại ngôi nhà này, gia đình phải vào ở tạm tại căn nhà rẫy cách đó 10km khiến cho việc sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn hết sức khó khăn.

Chị Anh nói: “Mỗi lần nổ đá rung giống y  như động đất, càng ngày nổ càng gần, rung chuyển nhà luôn. Các hộ gia đình làm đơn nhiều rồi, chỉ mong cơ quan can thiệp cho gia đình làm sao dân đỡ hoang mang, đỡ thiệt hại. Nhà cũ xây đã bị thiệt hại rồi, giờ làm nhà mới lại nứt tiếp”.

Theo ông Hoàng Nghĩa Chính, Chủ tịch UBND xã Ea Kpam, từ năm 2011 đến nay, xã đã nhận được rất nhiều đơn thư kiến nghị của các hộ dân thôn 2 và thôn 4 về việc nổ mìn khai thác đá của Công ty An Nguyên ảnh hưởng đến sản xuất đời sống gây thiệt hại về kinh tế của người dân.

Lãnh đạo xã có mời Công ty lên làm việc giải quyết hỗ trợ đền bù cho các hộ dân nhưng không đạt được thỏa thuận. Việc định giá đền bù xã  không đủ thẩm quyền giải quyết, đành phải lập biên bản trình cấp trên chờ thẩm định mức thiệt hại đền bù hợp lý giải quyết cho người dân.

Ông Chính cho biết: “Địa phương đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra đánh giá tác động các vết nứt do mỏ đá. Nếu do mỏ đá thì Công ty phải có chính sách hỗ trợ đền bù một cách thỏa đáng. Và nên xem xét lại có tiếp tục cho phép khai thác tiếp tục hay không, bởi khai thác ảnh hưởng đến dân sinh. Nếu ảnh hưởng đến đời sống người dân, chúng tôi kiến nghị lên cấp có thẩm quyền dừng việc khai thác đá”.

Đến bao giờ thì người dân thôn 2 và thôn 4 của xã Ea Kpam được giải quyết đền bù thỏa đáng; môi trường xung quanh được trả lại trong lành và đặc biệt là người dân được ổn định an tâm sản xuất?./.