Vừa là hàng xóm, lại là bạn lâu năm với vợ chồng bà Thái Thị An (SN 1973, Giám đốc công ty TNHH MTV Hoàng Sang), gần chục năm, kể từ khi doanh nghiệp thành lập tới nay, năm nào, gia đình ông Cao Văn Tỉnh (tổ 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đều tin tưởng, ký gửi hàng chục tấn cà phê nhân tại đây.
Đồng thời, với suy nghĩ giá cà phê luôn cao và ổn định trong nhiều năm nay, sẽ không có chuyện doanh nghiệp bị vỡ nợ, năm nay ông Tỉnh ký gửi 10 tấn cà phê cho Công ty Hoàng Sang chờ giá lên để bán trả nợ ngân hàng và đầu tư vụ mới.
Chỉ đến khi doanh nghiệp vỡ nợ, chứng kiến cảnh hàng trăm người dân bao vây trụ sở công ty, ông Tỉnh mới nhận ra mình đặt niềm tin lầm chỗ.
Hàng trăm người dân bao vây doanh nghiệp Hoàng Sang khi doanh nghiệp này vỡ nợ. |
Điểm khác thường so với những vụ vỡ nợ nông sản trước đây tại Gia Lai, là thay vì chủ doanh nghiệp xuất hiện đối thoại để thống nhất phương án trả nợ với khách hàng, thì bà Thái Thị An cùng toàn bộ các thành viên trong gia đình đã rời khỏi nơi cư trú và bặt vô âm tín.
Cùng với đó, doanh nghiệp không tuyên bố vỡ nợ, mà chỉ đến khi phát hiện toàn bộ kho bãi trống trơn, công ty cửa đóng then cài và ngừng hoạt động, người dân mới biết và kéo đến thì mọi sự đã muộn màng.
Những khác thường ấy khiến nhiều người dân ký gửi và cho vay tiền tại đây cảm thấy hoang mang cho rằng chủ doanh nghiệp đã ôm tiền hàng bỏ trốn.
Bà Trần Thị Dương (tổ dân phố 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đứng trước nguy cơ mất trắng 7 tấn cà phê nhân.
Bà Dương cay đắng: “Nếu như anh không lừa đảo, thì đại diện công ty phải đứng đây trực tiếp đối thoại với người dân, trả lời người dân. Nếu chưa có, thì đại diện công ty phải viết một giấy nợ cho dân hoặc phải có ít nào đó để thanh toán cho dân, chúng tôi có chi phí đó để làm trong năm tới, không thể vỡ nợ hết tất cả được".
Theo bà Dương, hai vợ chồng bà làm nông, ngoài chăm cà phê của gia đình thì còn phải đi làm thuê, làm mướn nữa. Làm cà phê trừ chi phí thì thu nhập không còn bao nhiêu.
"Chúng tôi còn phải lo cuộc sống gia đình, con cái ăn học nữa. Hiện tại, gia đình tôi sắp đến hạn trả tiền ngân hàng mà chưa có, bà Dương chua chát.
Thông tin ban đầu từ cơ quan điều tra, Công an huyện Ia Grai cho thấy, ngoài hoạt động ký gửi hơn 240 tấn cà phê, gần 300 tấn hạt điều, doanh nghiệp này còn vay mượn thêm 9,5 tỷ đồng với tổng trị giá trên dưới 30 tỷ đồng (chưa kể hoạt động vay hàng tỷ đồng tại các ngân hàng thương mại). Và chưa ai khẳng định được đây là con số cuối cùng bởi danh sách nạn nhân đang được nối dài.
Thiếu tá Phạm Chính Nghĩa, Đội trưởng Đội hình sự- kinh Tế-ma túy, Công an huyện Ia Grai cho biết, vụ vỡ nợ của Công ty TNHH MTV Hoàng Sang là vụ vỡ nợ lớn nhất tại địa phương cho tới thời điểm này. Cơ quan điều tra đang khẩn trương làm rõ vụ việc.
“Giám đốc Công ty Hoàng Sang đã rời nơi cư trú. Cơ quan công an đã nhiều lần khuyến cáo người dân nên gửi cơ sở uy tín, doanh nghiệp nhà nước, không nên gửi ngoài tư nhân”, Thiếu tá Phạm Chính Nghĩa cho biết.
Điều đáng lo ngại, dù cơ quan điều tra đang tích cực làm rõ vụ việc, nhưng nhiều người dân, thậm chí những đại lý thu mua nông sản từ các xã có giao dịch hàng trăm tấn cà phê nhân đã không trình báo. Bởi họ lo sợ khi thông tin này lộ ra sẽ kéo theo phản ứng dây chuyền khiến những người dân dừng giao dịch, thậm chí rút hàng, rút vốn tại đại lý.
Điều này tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ nông sản dây chuyền đã nhiều lần xảy ra tại Tây Nguyên trong các năm qua../.
Hàng trăm người điêu đứng vì doanh nghiệp nông sản vỡ nợ
Gia Lai: Thêm một đại lý nông sản vỡ nợ hơn 36 tỷ đồng
Thêm một đại lý nông sản ở Gia Lai vỡ nợ, hàng trăm hộ dân trắng tay