Cách đây gần một tháng, người dân vùng quê nghèo xã Ia Krai (huyện Ia Grai) hoảng loạn sau khi chủ Cơ sở thu mua nông sản Kỳ Niềm tuyên bố vỡ nợ với số cà phê nhận ký gửi trị giá 7,5 tỷ đồng. Mới đây nhất, tại thôn Hà Lòng 2 (xã Đắk T’Dang, huyện Đắk Đoa), hàng trăm hộ dân lại điêu đứng vì điệp khúc tương tự với Doanh nghiệp thu mua nông sản Nguyệt Tỉnh do bà Nguyễn Thị Nguyệt làm giám đốc.
Chị Oanh khóc nghẹn vì nguy cơ mất trắng do ký gửi nông sản cho Doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh. |
Ông Vũ Văn Tuyến - Trưởng công an xã K’Dang cho biết cách đây 2 ngày, vợ chồng bà Nguyệt lên UBND xã trình báo việc vỡ nợ, nhờ chính quyền địa phương can thiệp, bảo vệ tính mạng. Bà Nguyệt khai đang nợ trên 36 tỷ đồng.
"Vì tính chất vụ việc nghiêm trọng nên chúng tôi mời bà Nguyệt lên Công an huyện Đắk Đoa làm việc. Về địa phương, chúng tôi phối hợp với lực lượng Xã đội xuống túc trực tại nhà bà Nguyệt hướng dẫn người dân không manh động, tránh ẩu đả đáng tiếc xảy ra. Đồng thời không cho tẩu tán tài sản. Theo ước tính của chúng tôi, bà Nguyệt nợ khoảng 40 tỷ đồng”, ông Tuyến cho hay.
Theo các hộ dân ký gửi nông sản ở Nguyệt Tỉnh để chờ khi giá tăng kiếm lời, bà Nguyệt không chỉ nhận ký gửi, vay mượn tiền của nhiều hộ dân trong xã K’Dang, mà ở các xã khác như Đắk D’Jrăng, Hải Yang… cũng dính nợ, như ông Năm Phúc ký gửi 49 tấn cà phê, bà Đỗ Thị Út 53 tấn, Quỳnh Hoa 40 tấn...
Đưa tay gạt nước mắt, chị Nguyễn Hoàng Oanh (thôn H’Rát, xã Đắk D’Jrăng) mếu máo: “Làm lụng vất vả 2 năm, gia đình tôi ký gửi 10 tấn cà phê, gần một tấn hồ tiêu với tổng số tiền gần 500 triệu mà chưa kịp lấy một đồng. Mấy ngày nay chạy tới chạy lui đòi nợ nhưng không được gì. Nhà tôi còn nợ ngân hàng 200 triệu vẫn chưa trả, trong khi 2 đưa con đang học đại học cần rất nhiều tiền chi tiêu”.
Cùng tình cảnh, chị Trần Thị Hoa Lan (thôn H’Rát) đứng ngồi không yên vì khoản nợ ngân hàng 240 triệu vẫn còn treo trên đầu, trong khi hơn 100 triệu đồng đồng tiền ký gửi cà phê, hồ tiêu dành tiền cho con vào Sài Gòn học có nguy cơ mất trắng. “Còn một tuần nữa con tôi đi học, trong túi tôi không còn đồng nào, không biết phải chạy vạy ra sao”, chị Lan lo lắng.
Doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh được xác định nợ khoảng 40 tỷ đồng. |
Tại địa phương, lâu nay bà Nguyệt được xem là làm ăn uy tín, tạo được lòng tin cho nhiều người. Do đó người dân rất dễ dàng giao hàng, thậm chí có người ký gửi mà không lấy biên nhận.
Anh Bùi Văn Mộc (thôn H’Rát) giao toàn bộ số nông sản có được cho Doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh mà không nhận giấy tờ gì. Khi xảy ra chuyện, anh hớt hải đi tìm chủ doanh nghiệp. May mắn khi lên cơ quan công an trình báo, anh lại gặp được bà Nguyệt. Sau một hồi trình bày gần như van nài, bà Nguyệt mới chịu lấy tờ giấy lịch ghi tạm mấy dòng nợ coi như là bằng chứng.
“Tôi gửi tất cả 2,3 tấn cà phê, một tấn hồ tiêu trị giá khoảng 250 triệu đồng. Nhà tôi dột nát, chỉ là chỗ tránh mưa tránh nắng thôi chứ lấy đâu ra kho bãi nên đành đi ký gửi. Bao nhiêu tài sản đều dồn vào đó, giờ còn không có gạo để ăn, nên bức bí lắm”, anh Mộc than thở.
Trong số những người ký gửi, chị Đỗ Thị Út (thôn Tân Phú, xã Đắk D’Jrăng) gánh chịu thiệt hại nhất. Chị cho biết chỉ là người mua đi bán lại kiếm lời, ký gửi hơn 80 tấn cà phê nhưng mới được thanh toán hơn 20 tấn, còn 53 tấn vẫn còn gửi trong kho của bà Nguyệt.
“Cách đây hơn một tuần, bà Nguyệt còn nhận ký gửi của rất nhiều hộ dân, hàng hóa mang đi bán rất nhiều, nhưng nay tuyên bố vỡ nợ thì ai tin được, số tiền này rốt cục đi đâu? Tôi yêu cầu giải thích thì bà nói do làm ăn thua lỗ. Sắp tới, tôi chỉ biết mời luật sư làm thủ tục kiện ra tòa thôi chứ biết sao”, chị Út búc xúc nói.
Ông Lê Viết Phẩm - Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa cho biết, huyện đã nhận được thông tin vụ việc Doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh tuyên bố vỡ nợ và chỉ đạo cơ quan điều tra làm rõ. Đồng thời thông báo cho người dân đến cơ quan chức năng trình báo tài sản thiệt hại. Hiện vẫn chưa xác định có dấu hiệu lừa đảo hay không.
Về phía cơ quan điều tra, đại úy Bùi Đức Ngụ - Phó đội trưởng Đội điều tra tổng hợp (Công an huyện Đắk Đoa) cho biết đã tiếp nhận 13 đơn cầu cứu của người dân với tổng số tiền mà bà Nguyệt nợ là hơn 2,4 tỷ đồng cùng 50 tấn cà phê, gần một tấn hồ tiêu. Sau khi bà Nguyệt trình báo về việc vỡ nợ, cơ quan điều tra vẫn đang xác minh làm rõ nên chưa có kết luận cuối cùng. Còn về tổng số tiền nợ vẫn đang được thống kê chưa thể cung cấp. Nguyên nhân ban đầu vỡ nợ mà bà Nguyệt khai báo là do làm ăn thua lỗ.
Điệp khúc “doanh nghiệp vỡ nợ, dân khóc ròng” lần nữa lại xảy ra, tuy mới nhưng hình thức vẫn không thay đổi: chủ đại lý thu mua không biến mất. Họ sẵn sàng tuyên bố vỡ nợ, nhận “búa rìu dư luận” chứ không bỏ trốn mà mang tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Để nhận được tiền chỉ có nước người dân kiện ra tòa hoặc “ép nợ”, nhưng lấy được tiền hay không vẫn rất khó thực hiện./.