Đa số các đại biểu đánh giá, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 2018 đạt được 8,3% là đáng ghi nhận trong điều kiện nguồn lực, vốn đầu tư khó khăn. Nhưng thành phố còn nhiều vấn đề cần giải quyết cho sự phát triển của năm 2019 như giải quyết bức xúc của người dân, cải cách hành chính, tiếp tục có giải pháp cho ngập nước, ùn tắc giao thông…

Tiếp tục mở rộng câu chuyện từ những bức xúc của một số cử tri bị ảnh hưởng khi xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đại biểu Trần Hoàng Danh nhắc lại, 22 năm từ khi phê duyệt dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn thành, có nhiều điểm cần khắc phục, giải quyết trong bồi thường giải phóng mặt bằng, ổn định đời sống người dân.

Ông Danh nói: "Qua sự việc ở Thủ Thiêm, tôi đề nghị TP cho rà soát lại tất cả các dự án kéo dài, có những hỗ trợ thiết thực cho các quận huyện trong khắc phục khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tái định cư, giao đất cho xây dựng công trình, tránh để xảy ra các điểm phức tạp và nảy sinh điểm nóng."

Cũng liên quan đến quy hoạch, xây dựng các công trình của thành phố, ông Lê Minh Đức, Phó trưởng Ban Pháp chế, HĐND TP cho biết qua khảo sát thì mức đền bù hiện không còn phù hợp với thực tế. Nhiều hộ dân bị giải tỏa không đủ tiền để tái định cư, ổn định cuộc sống. Cho nên, ngành chức năng và chính quyền thành phố cần tìm giải pháp thích hợp cho vấn đề này.

org__dsc2776_jlgv.jpg
Ông Lê Minh Đức.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng thừa nhận công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều năm nay luôn là nỗi trăn trở của thành phố, phải kiên trì giải quyết. Thành phố đã nỗ lực đưa ra quy trình quy định về rút ngắn thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng, rút ngắn được 1/3 thời gian so với trước. Bồi thường giải phóng mặt bằng căn cứ vào quy hoạch, tính pháp lý của khu đất. UBND TP đang có hướng đối với những dự án quy hoạch, thành phố sẽ đề xuất cho người dân bị ảnh hưởng được chuyển quyền sử dụng đất theo đúng quy hoạch tương lai và đóng tiền theo quy định (ví dụ như chuyển từ nông nghiệp sang đất ở như quy hoạch) nhưng chỉ xây dựng tạm trong khi thành phố đang triển khai dự án quy mô.

Ông Trần Vĩnh Tuyến

"Làm thế nào giải quyết bức xúc của người dân, nhà nước có thể thu ít đi nhưng người dân được lợi thì sẽ đồng thuận với chính sách của thành phố. Hiện nay thành phố làm không sai pháp luật nhưng thật sự là ngay lý mà chưa ngay tình nên rất khó khăn cho thành phố", ông Tuyến nói.

Một tồn tại nữa của thành phố là cải cách hành chính còn chậm do nhiều nguyên nhân. Một số đại biểu cho rằng, một quận huyện hiện nay thực hiện hơn 200 thủ tục hành chính, trong đó có 140 dịch vụ người dân thường xuyên sử dụng. Mà quận huyện muốn tiến tới thực hiện thủ tục hành chính ở cấp độ 3, 4 thì phải xây dựng phần mềm giải quyết thủ tục. Mỗi phần mềm cho một thủ tục hiện nay tiêu tốn trên dưới 100 triệu đồng và chỉ dùng được cho quận huyện đó. Vì vậy, thành phố nên có chủ trương giao cho 1 đơn vị viết phần mềm cho các thủ tục hành chính và phải có sự thống nhất chung cho giải quyết để quận huyện nào cũng có thể áp dụng được.

Năm nay thành phố thu ngân sách ước 369.621 tỷ đồng, chỉ đạt 98,1% dự toán và năm 2019, dự toán thu ngân sách mà Trung ương giao cho thành phố lại tiếp tục tăng lên. Vậy thì thành phố sẽ thu thế nào cho đạt để có phần để lại cho đầu tư phát triển. Thành phố có nên kiến nghị trung ương giảm chỉ tiêu thu ngân sách cũng là vấn đề mà các đại biểu đặt ra./.