Hơn 1 năm trở lại đây, hình ảnh xe buýt màu vàng chạy trên các tuyến phố chính ở Đà Nẵng dần trở nên quen thuộc với người dân và du khách.

Đã hơn nửa năm nay, anh Trần Mạnh Hùng, ở đường Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn chọn tuyến xe buýt số 11 để đi làm hàng ngày.

Anh Hùng đánh giá, xe buýt nội thị Đà Nẵng chạy đúng giờ, an toàn và văn minh nên anh mua vé tháng để đi làm chứ không đi xe máy như trước.

“Trước tôi đi vé thường, giờ tôi đi vé tháng. Nói chung xe chạy đúng giờ, nhân viên nhiệt tình, chất lượng rất tốt, điều hòa bật mát mẻ đầy đủ, không có gì phải phàn nàn”, anh Hùng chia sẻ.

da_nang_1_vov_sjpk.jpg
Xe buýt Đà Nẵng được đầu tư hiện đại, văn minh

Ông Lưu Thanh Tùng, Giám đốc Chi nhánh Công ty Quảng An I tại Đà Nẵng, đơn vị đầu tư quản lý, vận hành hệ thống xe buýt trợ giá khu vực nội thị Đà Nẵng cho biết, Công ty đầu tư mua 61 xe buýt chất lượng cao, nhập nguyên chiếc từ nước ngoài, mỗi xe trị giá 1,6 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này còn bỏ ra 10 tỷ đồng đầu tư hệ thống giám sát, camera online trực tuyến bên trong và ngoài xe, trung tâm lưu trữ hình ảnh…

Nhờ đó, trung tâm điều hành có thể giám sát được tất cả động thái của lái xe, hành khách. Công ty bố trí lái xe không làm việc quá 8 giờ mỗi ngày.

Sau gần 1 năm vận hành, đơn vị đã phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt trợ giá cho phù hợp với nhu cầu của người dân, thu hút khách đi xe buýt nhiều hơn.

Khách nước ngoài chờ xe buýt tại trạm xe buýt Xuân Diệu - Đà Nẵng

Hiện nay, Đà Nẵng có 14 tuyến xe buýt, trong đó 6 tuyến xe buýt không trợ giá, 5 tuyến xe buýt trợ giá, 1 tuyến xe buýt miễn phí và 2 tuyến buýt mui hở Cocobay.

Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các tuyến xe buýt như kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức tham gia giao thông bằng phương tiện xe buýt; Xây dựng quy trình cấp thẻ đi xe buýt đối với những đối tượng được hưởng chính sách trợ cấp xã hội.

Nhờ đó, lượng khách đi xe buýt ngày càng tăng. Năm ngoái, lượng khách đi xe buýt đạt 5 triệu lượt người. Riêng 5 tuyến xe buýt trợ giá, tăng từ 3,6 khách/mỗi lượt xe lên gần 15 khách/lượt xe.

Xe buýt Đà Nẵng trở nên quen thuộc với người dân

Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định mở thêm 6 tuyến xe buýt trợ giá nhằm bổ sung và từng bước hoàn chỉnh mạng lưới vận tải công cộng bằng xe buýt, tạo tiền đề cho việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

“Vừa rồi 5 tuyến trợ giá ra đời, khoảng cách, cự ly giữa các điểm chờ không thuận lợi với người dân nên ngành Giao thông đề xuất mở thêm 6 tuyến nữa nhằm mục đích là kết nối thuận lợi hơn cho người dân so với 5 tuyến cũ”, ông Lê Văn Trung nói.

6 tuyến xe buýt mới gồm: Cảng sông Hàn - Hòa Tiến; Bến xe Trung tâm TP - Khu du lịch Non Nước; Trung tâm TP (Công viên 29-3) - Khu công nghệ cao; Bến xe Trung tâm TP - Thọ Quang; Kim Liên - Cao đẳng Việt Hàn; Cảng sông Hàn - Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang.

Các xe buýt đều được đầu tư mới 100% với sức chứa 40 chỗ ngồi, tiêu chuẩn khí thải phù hợp quy định hiện hành; giá vé trợ giá không đổi so với 5 tuyến xe buýt trợ giá hiện trạng. Ngoài ra, TP cũng sẽ đầu tư xây dựng 5 điểm đầu cuối và điểm trung chuyển; cải tạo 3 vị trí để làm điểm đầu cuối kỹ thuật phục vụ hoạt động vận tải công cộng.

Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, xe buýt Đà Nẵng phải trở thành thương hiệu thì mới hy vọng tạo được thói quen đi xe công cộng. Theo ông Trương Quang Nghĩa, muốn tạo thói quen đi xe công cộng cho người dân thì cần có sự quyết tâm của chính quyền.

Với những nỗ lực bước đầu, TP Đà Nẵng đang từng bước hoàn thiện tổng thể hệ thống mạng lưới và cập nhật vào Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó, tiến tới hạn chế xe cá nhân vào khu vực trung tâm, giảm ùn tắc giao thông./.