Đã hết thời hạn 6 tháng tạm dừng hoạt động, tức là từ ngày 26/3 đến ngày 26/9 nhưng chính quyền thành phố Đà Nẵng vẫn chưa đưa ra câu trả lời dứt khoát là di dời dân hay di dời nhà máy?

Trước đó, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng đã có Văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND huyện Hòa Vang và các cơ quan, đơn vị liên quan, trên cơ sở kết quả đo đạc và phân tích mẫu môi trường của đơn vị quan trắc môi trường cung cấp, các đơn vị này phối hợp tổ chức công bố kết quả quan trắc môi trường khu vực 2 nhà máy thép thuộc Công ty Cổ phần Thép Dana -Ý, Công ty Cổ phần Thép Dana - Úc và khu vực xung quanh 2 nhà máy thép tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, theo quy định của pháp luật.

vov__nguoi_dan_lai_tu_tap_bao_vay_2_nha_may_thep_gvtu.jpg
Người dân lại tụ tập bao vây 2 nhà máy thép

Cùng với đó, tiến hành thủ tục xử lý vi phạm về môi trường đối với tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có). UBND thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu Thanh tra thành phố khẩn trương hoàn thành kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang và thanh tra toàn diện công tác quản lý nhà nước về quá trình thành lập, hoạt động, quản lý đất đai ở khu vực lân cận và xử lý về môi trường của Công ty Cổ phần Thép Dana -Ý và Công ty cổ phần Thép Dana -Úc, báo cáo UBND thành phố.

Ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Dana -Ý đề nghị chính quyền có câu trả lời rõ ràng với người dân và doanh nghiệp chứ không thể kéo dài mãi được. Việc đóng cửa nhà máy thép Dana -Ý ảnh hưởng đến 1.000 công nhân, tác động trực tiếp đến 2.000 gia đình và hơn 4.000 trẻ em. Riêng tiền điện mất 500 tỷ đồng mỗi năm, Cảng Đà Nẵng mất nửa triệu tấn hàng xuất nhập khẩu qua cảng.

“Phải có 1 giải pháp chứ không thể 2 bên sống chung được. Nếu thành phố có đủ khả năng, đủ điều kiện thì vận động dân như thế nào nhưng không được bao vây nhà máy. Bao vây như vậy, nhà máy đâu có làm được. Hàng hóa mua về bây giờ cũng có người bao vây trên đó thì làm sao mà sống được. Tại sao mình sống trong một đất nước có đầy đủ pháp luật mà để xảy ra việc này một cách không thể hiểu nổi?”, ông Huỳnh Văn Tân bức xúc.

Hàng tồn kho bên trong nhà máy đã được tiêu thụ

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Thép Dana - Úc cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Dana - Úc cho biết, nếu tình trạng này kéo dài thêm 1 tháng nữa thì doanh nghiệp sẽ phá sản.

“Những tiền chi phí đầu tư lâu nay là mình vay hết. Có hoạt động thì có dòng doanh thu, có nguồn tiền tài chính mình trả chứ ngưng thì không có tiền. Vì tiền đầu tư kéo dài 15 đến 20 năm chứ có ai 5 đến 7 năm trả hết nợ đâu. Chi phí đầu tư ban đầu rất lớn. Riêng ngành thép chi phí xây dựng với thiết bị nhà máy rất lớn. Đặc biệt trong những năm gần đây, 2 nhà máy đầu tư công nghệ xử lý môi trường rất nhiều tiền”, ông Nguyễn Văn An cho biết./.