Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng thống nhất chủ trương không để nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc tiếp tục hoạt động tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang; đồng thời thu hồi, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực lân cận.

Gần 1 tuần sau khi thực hiện chủ trương của thành phố, bình quân mỗi ngày 2 doanh nghiệp này thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán của Công ty Cổ phần thép Dana - Ý liên tục sụt giảm, doanh nghiệp lao đao.

Thiệt hại trước mắt đối với việc dừng hoạt động 2 nhà máy này là doanh nghiệp không đủ hàng giao cho các đại lý, mất thị phần. Nhà máy thép Dana - Ý bị phạt gần 55 tỷ đồng do không thực hiện đúng hợp đồng mua, bán đã ký kết với các đối tác; Lãi vay và các khoản phạt do chậm thanh toán cho khách hàng hơn 17 tỷ đồng; Lương hỗ trợ chờ việc cho công nhân khoảng 3,5 tỷ đồng.

thep_vov_1__dvjf.jpg
Công ty Cổ phần thép Dana - Ý

Ngoài ra, thiệt hại gián tiếp mà doanh nghiệp này phải gánh chịu là máy móc thiết bị dừng sản xuất lâu sẽ bị giảm công năng; Doanh thu của các đơn vị liên quan như ngân hàng, điện lực và các nhà cung cấp vật tư nguyên liệu trên địa bàn thành phố sụt giảm đáng lo ngại.

Ông Huỳnh Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Dana - Ý cho biết, Nhà máy đã nhập hơn 70.000 tấn nguyên liệu, đối tác liên tục yêu cầu cung cấp hàng. Mỗi ngày, doanh nghiệp thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán của Công ty từ 9.0 trong ngày 26/2 giảm còn 6.9 vào ngày hôm qua (7/3).

"1 ngày doanh thu của chúng tôi trên 10 tỷ đồng, 1 tháng doanh thu trên 300 tỷ đồng. Như vậy, 1 ngày chúng tôi mất trên 1 tỷ đồng. Thiệt hại quá lớn. Nếu trường hợp này kéo dài thì chúng tôi hoàn toàn buông tay" - ông Huỳnh Văn Tân chia sẻ.

Nhà máy thép Dana - Úc đóng cửa, máy móc dừng hoạt động.
Trong khi đó, lãnh đạo Công ty Cổ phần Thép Dana - Úc cũng cho biết, trung bình mỗi ngày thiệt hại từ 300 - 500 triệu đồng. Theo bà Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc Công ty Cổ phần thép DaNa - Úc, năm ngoái, sau khi thành phố Đà Nẵng chủ trương di dời dân trước khi di dời nhà máy, doanh nghiệp đã đầu tư 70 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống hút bụi. Doanh nghiệp cũng đã vay 300 tỷ đồng nhập nguyên liệu sản xuất hơn 19.000 tấn, chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.

Bà Nguyễn Thị Xuân lo lắng, thành phố đột ngột thông báo dừng sản xuất, doanh nghiệp đối mặt với khoản nợ 670 tỷ đồng, hàng ngàn đơn hàng bị hủy bỏ, 500 công nhân thất nghiệp.

"Đã khó khăn rồi mà phải đi vay tiếp ngân hàng. Mỗi doanh nghiệp thêm 1 khoản tiền rất là lớn đầu tư vào đây. Phía môi trường định kỳ lên kiểm tra lộ trình mình đầu tư có đúng không. Họ lên chụp hình, báo cáo thành phố đều đặn như vậy, mình không hiểu vì sao vừa rồi thành phố quyết định dừng 2 nhà máy" - bà Nguyễn Thị Xuân cho biết thêm.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam về việc thành phố dừng hoạt động 2 nhà máy thép, ông Phan Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng cho biết, cộng đồng doanh nhân thành phố rất bất ngờ trước quyết định này. Việc dừng ngay hoạt động 2 nhà máy tại thời điểm đầu năm mới, đúng vào năm thành phố kêu gọi thu hút đầu tư sẽ tác động xấu đến môi trường đầu tư, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng phải chịu trách nhiệm về việc này. Những ngày qua, rất nhiều ý kiến cho rằng, quyết định dừng hoạt động 2 nhà máy thép của lãnh đạo thành phố là vội vàng, gây lúng túng cho người dân, doanh nghiệp, các ngành chức năng và cả chính quyền địa phương.

Việc Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng quyết định dừng hoạt động 2 nhà máy thép gây ô nhiễm môi trường là phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển tại khu vực này. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, triển khai thực hiện chủ trương này cần phải có lộ trình, bước đi thích hợp và hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và địa phương./.