Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu tại Đắk Lắk khiến 1 bệnh nhân tử vong, ngày 2/9, Đoàn công tác của Cục Y tế dự phòng do ông Trần Đắc Phu - Cục Trưởng dẫn đoàn, đã có buổi làm việc với ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk.

vov_bach_hau_3_pwqf.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc của Cục y tế dự phòng với ngành y tế Đắk Lắk.

Theo báo cáo của ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk, tính đến thời điểm hiện tại, Đắk Lắk đã ghi nhận 4 ca bệnh bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong. Đáng chú ý, cả 4 ca bệnh đều trong một gia đình ở buôn H’Ring, xã Ea H’Đinh, huyện Cư Mgar.

Hiện tại, bệnh viện Đa khoa huyện Cư Mgar và Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cũng đang tiếp nhận và theo dõi 31 người nghi bị bệnh bạch hầu do có tiếp xúc với bệnh nhân bạch hầu và có một số triệu chứng của bệnh, như sốt, ho.Để ứng phó với dịch bệnh bạch hầu, ngành Y tế Đắk Lắk đã lập danh sách các đối tượng tiếp xúc bệnh nhân, những người xung quanh nhà bệnh để theo dõi, điều trị kháng sinh dự phòng và theo dõi nhiệt độ trong vòng 7 ngày; Cấp 20.000 viên thuốc Erythoromycin để dự phòng cho người dân trong vùng dịch; Điều tra đối tượng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi, hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng, lập kế hoạch tổ chức tiêm vét vaccine phòng bệnh bạch hầu; đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh bạch hầu tại cộng đồng; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế trên địa bàn toàn tỉnh về hướng dẫn chuẩn đoán, điều trị, giám sát, xử lý dịch bệnh bạch hầu…

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đức Phu thăm bệnh nhân bạch hầu tại khu vực cách ly của bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Về những giải pháp khống chế sự lây lan của bệnh bạch hầu trên địa bàn trong thời gian tới, Ths, bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ Sở y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, Sở Y tế sẽ làm việc với Sở Tài chính và báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh để ban hành kế hoạch khẩn cấp phòng chống bệnh bạch hầu trên toàn tỉnh.

Sở Y tế sẽ tổ chức tập huấn cho các bác sĩ điều trị và các trung tâm y tế dự phòng trên toàn huyện. Về vấn đề thuốc sẽ tiếp tục đảm bảo việc cung ứng dự phòng cho toàn huyện Cư M’gar; sẽ báo cáo với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm vaccine cho các đối tượng.

Về nhân lực, Sở Y tế đã triệu tập 10 cán bộ y tế của trung tâm y tế thành phố Buôn Ma Thuột và cán bộ Sở sẽ huấn luyện để hỗ trợ cho Cư M’gar.

Khu vực cách ly tại bệnh viện Đa khoa huyện Cư Mgar.

Tại buổi làm việc, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề nghị ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk thống kê tất cả các trường hợp nghi nhiễm bệnh, có biểu hiện sốt, đau họng, viêm họng, đồng thời khám kỹ, lấy mẫu để xác định bệnh, sau đó sàng lọc, phân loại sắp xếp cách ly điều trị ở khu riêng biệt.

Cùng với đó là tiến hành tổng lực các biện pháp, từ tuyên truyền đến dịch tễ và điều trị tích cực, thông báo trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời kết hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để  chuẩn đoán phát hiện xem đó có phải bệnh bạch hầu hay không.

"Càng phát hiện sớm bao nhiêu, càng điều trị tích cực ngay từ đầu bao nhiêu và càng khoanh ổ dịch tốt bao nhiêu thì càng không bị lây lan dịch. Biện pháp quan trọng nhất, trước mắt là phải tiến hành giám sát, điều trị cách ly và phải uống thuốc phòng cho tất cả những người có tiếp xúc, những người có liên quan; tiêm vaccine. Biện pháp quan trọng nữa là vấn đề vệ sinh, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh nhà cửa, vệ sinh quần áo" - ông Trần Đắc Phu cho biết./.