Người gây ô nhiễm phải trả tiền

Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường đề xuất việc người gây ô nhiễm phải trả tiền trong dự thảo luật môi trường mới và được Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội đồng tình với mục đích tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nhiều nghiên cứu cho thấy "bỏ ra một đồng để phát triển kinh tế, nhưng nếu không bảo vệ môi trường tốt có khi phải bỏ ra 10 đồng để xử lý". Do đó, chính sách này cần được bổ sung, hoàn thiện; trong đó cần tăng chế tài đối với những cá nhân, tập thể có vi phạm để xây dựng quỹ bảo vệ môi trường tốt hơn.

x_YPQA.jpg
Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ yêu cầu người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Theo ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, dự án Luật này cần nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. "Ngoài việc làm sai thì phải bồi thường, cần phải có biện pháp thay đổi nhận thức của toàn xã hội", ông Bình nêu.

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đề xuất thu phí xử lý chất thải rắn theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền"; đưa nội dung này vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ môi trường.

Cụ thể, đối với chất thải sinh hoạt hộ gia đình ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, cơ quan môi trường đề xuất quy định theo hướng thu tiền thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn qua hình thức bán các túi thân thiện với môi trường.

Người xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người.

"Thực chất là hình thức thu gom theo khối lượng, người xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền hơn thay vì tính phí theo đầu người hay hộ gia đình như lâu nay", đại diện Tổng cục Môi trường cho hay.

Đơn vị môi trường có quyền từ chối thu gom rác

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường). Dự thảo Luật đưa ra quy định cụ thể với từng loại, như chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Về chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, trước hết là yêu cầu mỗi gia đình phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn: Chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải cồng kềnh và chất thải rắn sinh hoạt thông thường. Chất thải nguy hại tại hộ dân được quy định như đối với chất thải rắn có khả năng tái chế.

Đơn vị chức năng có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định.

"Căn cứ trên yêu cầu đó, kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải được thu thông qua giá bán bao bì, thiết bị chứa. Các hộ dân phải mua loại bao bì theo quy định để sử dụng trong quá trình thu gom, đổ rác của mình", ông Hiền chia sẻ. 

Ông Hiền cho rằng, lâu nay việc phân loại chất thải tại nguồn chủ yếu mang tính khuyến khích, chưa xây dựng được động cơ và chế tài cụ thể. Trong khi đó, hầu hết kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý được chi trả bởi ngân sách nhà nước; kinh phí thu từ các tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt mới chỉ bù đắp được một phần.

Tại các địa phương, việc thu nguồn kinh phí này hầu hết áp dụng bình quân theo hộ gia đình; một số nơi thu theo số nhân khẩu mà chưa thu theo thực tế khối lượng chất thải phát sinh hoặc các loại chất thải phát sinh. Như vậy, nhiều người dân sẽ không chú ý đến việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải, cũng không phân loại chất thải tại nguồn.

Các hộ dân phải mua loại bao bì theo quy định để sử dụng trong quá trình thu gom, đổ rác của mình.

Quy định kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải được thu thông qua giá bán bao bì, thiết bị chứa, đồng nghĩa hộ nào phát sinh nhiều chất thải, sử dụng nhiều bao bì sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Qua đó sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế lượng chất thải phải thải ra môi trường, đồng thời thực hiện được nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Việc thu phí này cũng sẽ góp phần bù đắp một phần kinh phí cho ngân sách Nhà nước trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Chính phủ sẽ đưa ra khung giá mua bao bì và các địa phương quy định cụ thể dựa trên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu phí với hình thức nêu trên đang được Nhật Bản và Hàn Quốc thực hiện khá thành công.

Ông Hiền đánh giá, trong giai đoạn đầu sẽ khó khăn, nhiều trường hợp sẽ không sử dụng bao bì, thiết bị đựng đúng quy định để trốn tránh trách nhiệm. Để đảm bảo tính khả thi, dự thảo Luật đưa ra quy định đơn vị chức năng có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì đúng quy định. Hành vi này của các hộ dân cũng sẽ được thông báo tới cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật. 

Về chế tài xử phạt, đối với các quy định mới sẽ có các chế tài xử phạt tương ứng để đảm bảo tính khả thi của quy định.

Việc này áp dụng đúng nguyên tắc, hộ dân nào phát sinh số lượng rác thải nhiều thì phải sử dụng nhiều bao bì, thiết bị đựng và trả nhiều tiền hơn. Mặt khác, dự thảo Luật cũng quy định giá bao bì, thiết bị chứa chất thải thực phẩm thấp hơn loại chứa chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.

Trường hợp hộ gia đình không phân loại thì phải sử dụng bao bì, thiết bị chứa chất thải đối với chất thải rắn, tương ứng với việc phải trả nhiều tiền nhất.

Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua năm 2014, có hiệu lực đầu năm 2015. Dự kiến, dự án Luật sửa đổi sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp khai mạc cuối tháng 5./.