Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó có khoảng 1,2 triệu trẻ em và chủ yếu sống ở khu vực nông thôn. Sau gần 2 năm Luật Người khuyết tật đi vào cuộc sống, vẫn còn nhiều cơ chế, chính sách chưa được triển khai nên người khuyết tật khó tiếp cận với nhiều lĩnh vực cuộc sống, nhất là về cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, giao thông công cộng, tạo việc làm phù hợp trong các doanh nghiệp...

Hầu hết các công trình xây dựng chưa thiết kế thêm vị trí cho người khuyết tật sử dụng, hoặc nếu có thì không phù hợp. Ví dụ như đường dốc xây quá cao, hay có rất ít xe buýt để giúp người khuyết tật lên xe an toàn…

Bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm sống độc lập Hà Nội, cho biết dù đi xe lăn nhưng bà vẫn làm được mọi việc, nhưng các doanh nghiệp đều nghĩ rằng nếu người khuyết tật đến làm việc thì họ phải cải tạo lại chỗ làm việc, trong quá trình làm việc thì phải có người hỗ trợ người khuyết tật mỗi khi đi vệ sinh. Các doanh nghiệp thường nghĩ rằng phải phục vụ nhiều hơn mà không nghĩ rằng người khuyết tật có thể phục vụ trở lại. Tâm lý đó khiến người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm.

nguyen%20hong%20ha.jpg Bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Sống độc lập

Luật người khuyết tật quy định mỗi doanh nghiệp đều phải nhận 2 - 3% lao động là người khuyết tật. Nhưng trên thực tế, chỉ có khoảng 12% trong tổng số 6,7 triệu người khuyết tật được học nghề và gặp khó khăn khi tìm việc làm phù hợp. Tiến sỹ Nguyễn Đình Liêu, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho rằng quy định này chưa bắt buộc các cơ quan Nhà nước phải nhận, điều đó tạo nên sự không công bằng.

Hiện, đội ngũ bác sĩ, máy móc thiết bị tại các cơ sở y tế chuyên chăm sóc sức khỏe người khuyết tật vẫn còn thiếu và yếu chưa đáp ứng nhu cầu. Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên cho rằng nhận thức vẫn là vấn đề phải tiếp tục quan tâm. Cán bộ lãnh đạo các cấp các ngành khi phê duyệt tất cả chương trình, các đề án đều đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật. Hay như để thực hiện tốt việc trợ giúp cho người khuyết tật cần đầu tư tiếp cho đội ngũ làm công tác xã hội, hỗ trợ về hiểu biết và phải động viên về tâm lý.

Ở Việt Nam mới có rất ít xe bus hỗ trợ người khuyết tật như thế này

Theo Đề án “trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020”, sẽ có 250.000 người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp. Đồng thời tập trung nguồn lực để triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ giáo dục ở các cấp học, tăng cơ hội tiếp cận thân thiện với công trình xây dựng và phương tiện giao thông. Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho rằng cần có sự tham gia của nhiều bộ, ban ngành như giao thông, xây dựng, y tế, giáo dục để triển khai đồng bộ. Mục tiêu chung là bản thân người khuyết tật phải tự mình vươn lên, dưới sự hỗ trợ của cộng đồng và Nhà nước.

Vượt qua khó khăn bằng ý chí và luôn hướng về phía trước, người khuyết tật Việt Nam đã và đang tự vươn lên để nuôi sống bản thân, gia đình. Họ đã nỗ lực, phấn đấu vươn lên để hòa nhập với cộng đồng xã hội, nhưng đang rất cần các cấp chính quyền và xã hội trợ giúp một cách thiết thực, cụ thể hơn./.