Với 18.000 hội viên, có mặt tại 38 tỉnh, thành phố trong cả nước, các đội tình nguyện viên công tác xã hội cấp xã đã trở thành “cánh tay nối dài”, góp phần thực hiện đảm bảo trật tự an ninh xã hội ở cơ sở.

Với họ, việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” chỉ với mục đích để tất cả các gia đình không phải chịu sự buồn đau do có người thân bị nghiện ma túy, bị nhiễm HIV hay sa vào các tệ nạn xã hội khác.

Điểm tựa của người nghiện, nhiễm HIV

Trở về với cuộc sống đời thường, tái hòa nhập cộng đồng thành công sau 14 năm chìm trong ma túy, chứng kiến nhiều bạn nghiện lần lượt “ra đi”, hơn ai hết anh Hoàng Hà, ở Khu 6, thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ hiểu rõ về tính chất nguy hiểm và cái giá quá đắt mà ma túy gây ra đối với sức khỏe, tính mạng và cả danh dự của những ai đã một thời lầm lỗi.

nghien_1_aqzr.jpg
Trồng cây cảnh đã giúp anh Hoàng Hà tăng thu nhập ổn định cuộc sống sau cai nghiện thành công

Anh Hà kể: Do sự bồng bột của tuổi trẻ nên đã sa vào ma túy và bị vợ bỏ rơi khi con trai chưa đầy 2 tuổi, kinh tế gia đình sa sút, người thân và cộng đồng kỳ thị, xa lánh. Khi sực tỉnh cơn mê và 16 ngày đêm không ăn không ngủ được thì mọi chuyện với anh gần như đã không còn lối thoát. Vậy nhưng bước ngoặt cuộc đời anh đã được tiếp thêm sức mạnh bằng sự giúp đỡ tận tâm của các tình nguyện viên công tác xã hội cơ sở, đặc biệt là bà Mai Thị Thục - đội trưởng đội công tác xã hội tình nguyện thị trấn Sông Thao.

Trong một hoàn cảnh khác, chị Nguyễn Thị Dung, ở khu 8, thị trấn Sông Thao, huyện huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ trải lòng: Khi sinh đứa con thứ 2, chị phát hiện mình bị nhiễm HIV từ chồng. Bàng hoàng, ngơ ngác, tưởng bác sỹ nhầm… chị đã nghĩ đến việc buông xuôi, mặc cho số phận  nên 1 năm trời chị tự giam mình trong góc nhà không dám gặp ai, trong khi đứa con mới chào đời cứ dần héo mòn theo mẹ.

Nhưng đúng lúc này, các thành viên trong đội công tác xã hội tình nguyện thị trấn Sông Thao đã đến bên chị động viên, an ủi như một điểm tựa về tinh thần. Đặc biệt với một khoản hỗ trợ vốn nhỏ từ đội tình nguyện, chị Nguyễn Thị Dung đã mạnh dạn đứng ra tập hợp chị em có số phận không may mắn thành Câu lạc bộ “Nối những vòng tay” để cùng nhau làm nón tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Với những người làm công tác xã hội tình nguyện thì không gì ý nghĩa hơn khi được chứng kiến cuộc sống của những người đã một thời lầm lỡ trở về tái hòa nhập cộng đồng thành công.

Bà An Thị Hồng, đội trưởng đội tình nguyện xã hội phường Minh Khai, quận Hai bà Trưng, Hà Nội cho biết: Trước năm 2012, phường Minh Khai được coi là trọng điểm về ma túy với trên 100 người nghiện. Vậy nhưng, đến nay chỉ còn 36 người đang trong diện quản lý. Điều này cho thấy công sức mà các tình nguyện viên bỏ ra không vô nghĩa, những vất vả mà họ gặp phải không còn là trở ngại để họ có thể tiếp tục công việc xã hội.

Bà An Thị Hồng nói: “Nhiều người nói tôi là dở hơi. Việc này là mình nói làm sao người ta nghe được, làm theo mình và tâm sự những nỗi lo, suy nghĩ của người ta. Mình phải thực sự coi các cậu nghiện ngập ấy như con, như cháu của mình. Lúc nào cũng gần gũi, chia sẻ”.

Đội tình nguyện rất cần được quan tâm

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 200.000 người nghiện ma túy, trong đó gần 70% sống ở cộng đồng. Ngoài ra còn một tỷ lệ không nhỏ người nhiễm HIV, người hành nghề mại dâm rất cần sự động viên, giúp đỡ của toàn xã hội…

Để giúp những mảnh đời lầm lỡ, bất hạnh vượt qua khó khăn tái hòa nhập cộng đồng, hơn 10 năm qua, 3.000 đội công tác xã hội tình nguyện, thuộc 38 tỉnh, thành phố đã được thành lập, với hơn 18.000 tình nguyện viên. Bằng tấm lòng nhân ái và sự nhiệt tình của mình, các tình nguyện viên không kể tuổi tác, giới tính… đã và đang là lực lượng không thể thiếu góp phần giúp đỡ người nhiễm HIV, người nghiện ma túy sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Câu lạc bộ làm nón "Nối những vòng tay" của chị Dung  ở Phú Thọ

Nhờ sự giúp đỡ của đội công tác xã hội tình nguyện, của tình nguyện viên, có rất nhiều người sau cai nghiện 5 đến 7 năm, thậm chí lâu hơn chưa tái nghiện. Nhiều người nhiễm HIV được điều trị và lạc quan hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, hoạt động của đội tình nguyện còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Đội tình nguyện công tác xã hội cấp xã không có lực lượng vật chất nào cả, nhưng qua tiếp cận, cảm hóa, họ giúp đỡ được nhiều người nghiện; tiếp cận những nhóm yếu thế, những đối tượng dễ bị tổn thương để tư vấn, giúp đỡ, chuyển gửi và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Tôi nghĩ thời gian tới, phụ cấp phải được nâng lên. Chương trình huấn luyện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cho họ phải được quan tâm hơn; cần sự động viên khích lệ, quan tâm của các cấp, chính quyền các địa phương”.

Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc, là cựu chiến binh, đoàn thể xã hội sinh sống trên địa bàn… hàng ngày bằng tâm huyết và tấm lòng nhân ái của mình, các tình nguyện viên công tác xã hội đã vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại để giúp đỡ những đối tượng yếu thế hòa nhập cộng đồng.

Họ không chỉ trở thành cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, làm mềm hóa mối quan hệ hành chính giữa chính quyền và các đối tượng vi phạm tệ nạn xã hội mà còn làm thay đổi phần nào nhận thức và sự kỳ thị của cộng đồng đối với đối tượng mại dâm và người nghiện ma túy./.