Gần 80% nguồn ngân sách cho hoạt động phòng chống HIV tại Việt Nam hiện nay là do các nhà tài trợ quốc tế cung cấp. Tuy nhiên, nguồn ngân sách này ngày càng giảm do các nhà tài trợ đang rút dần khỏi Việt Nam. Tìm nguồn lực thay thế để duy trì cung cấp hàng hóa và dịch vụ dự phòng HIV là hết sức cấp thiết. Do vậy, kết nối khu vực tư nhân vào hoạt động cung cấp hàng hóa và dịch vụ dự phòng HIVcó vai trò quan trọng sống còn để huy động nguồn lực và đảm bảo tính bền vững cho các hoạt động phòng chống HIV.

Đây là thông tin đưa ra tại cuộc hội thảo định hướng về lập kế hoạch chiến lược theo cách tiêp cận thị trường tổng thể cho chương trình HIV do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) và Dự án Thúc đẩy Tăng trưởng Thị trường tại Việt Nam phối hợp tổ chức sáng nay (4/9), tại Hải Phòng.

tin_4_9_reyw.jpg

Hội thảo Dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và tổ chức PATH thực hiện. Mục đích nhằm góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, đồng thời đảm bảo tính bền vững của chương trình HIV/AIDS tại Việt Nam. Đây là sự kiện trong một chuỗi các hoạt động của Nhóm Cố vấn Tăng trưởng Thị trường (MGAB) do dự án Thúc đẩy Tăng trưởng Thị trường khởi xướng để kết nối khu vực kinh tế tư nhân với các cơ quan Chính phủ và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực cung cấp hàng hóa và dịch vụ dự phòng HIV.

Bà Mona Byrkit, Giám đốc Chương trình Vùng Mekong của PATH cho biết: Từ trước đến nay, sự tham gia của tư nhân trong lĩnh vực phòng chống HIV vẫn còn rất hạn chế. Chính phủ đã thể hiện quan điểm ủng hộ mạnh mẽ đối với việc tư nhân tham gia đầu tư cho thị trường hàng hóa và dịch vụ dự phòng HIV. Tuy nhiên, việc xây dựng một thị trường tổng thế, với các phân khúc thị trường rõ ràng để khu vực tư nhân có thể tham gia vào còn chưa được thực hiện. Áp dụng hiệu quả cách tiếp cận thị trường tổng thể sẽ giúp tối đa hóa việc sử dụng nguồn lực và đảm bảo tiếp cận công bằng, đặc biệt để các nhóm dân số có thu nhập thấp vẫn có cơ hội tiếp cận dòng sản phẩm đảm bảo chất lượng và phù hợp với thu nhập của họ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đánh giá cao sự đóng góp của tổ chức USAIDS và PATH đã tham gia vào lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam.

Ông nói: “Chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã trải qua 3 thập kỷ và được Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như nhân dân và đặc biệt là bạn bè quốc tế ghi nhận. Trong suốt những năm vừa qua, những thành tựu của công tác phòng, chống AIDS tại Việt Nam cũng được Đảng, Nhà nước ghi nhận như: 7 năm lần, công tác phòng, chống HIV/AID ở 3 chỉ số đều giảm, số người nhiễm HIV được phát hiện hàng năm giảm; số người nhiễm HIV chuyển sang dạng AIDS giảm, số tử vong do AIDS cũng giảm. Theo ước tính dự báo, chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam từ năm 2001 đến nay, đã ngăn ngừa được khoảng 450.000 người không bị lây  nhiễm HIV. Đây là thành tựu rất to lớn. Để có được thành tựu đó là nhờ có các chương trình điều trị hợp lý và triển khai can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV như chương trình bao cao su, bơm kim tiêm… đã góp phần làm cho nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao đã giảm rõ rệt”.

Ngoài những thành tựu đạt được như trên, ông Phạm Đức Mạnh cũng chỉ ra những thách thức và khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt như: tình hình lây nhiễm HIV ở Việt Nam tuy kiềm chế để không gia tăng trong các nhóm nguy cơ cao, nhưng hàng năm vẫn phát hiện khoảng 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới; nguy cơ lây nhiễm cao hành vi trong các nhóm đối tượng (phụ nữ bán dâm, tiêm chích không an toàn và làm gia tăng lây nhiễm HIV, đặc biệt là tình trạng lây nhiễm HIV trong nhóm người nhiễm mới hàng năm tăng so với người tiêm chích); đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực của Việt Nam ngày càng hạn hẹp, tất cả các tổ chức quốc tế đang có kế hoạch sau 2018 sẽ cắt giảm hoàn toàn các hỗ trợ về liên quan đến thuốc, sinh phẩm và xét nghiệm. Đây là thiếu hụt lớn cho công tác phòng chống AIDS của Việt Nam. Vì vậy, trong bối cảnh nguồn lực, nguồn ngân sách hạn hẹp như vậy, chúng tôi đề nghị các chuyên gia quốc tế hỗ trợ cũng như trao đổi chia sẻ với các bạn đồng nghiệp Việt Nam làm thế nào để tạo được những thứ sẵn có của bao cao su, bơm kim tiêm trong các địa bàn trọng điểm với nguồn lực hạn hẹp như thế này? Và làm thế nào để tiếp cận tổng thể về bao cao su như thế nào và cân bằng phù hợp những thị phần, giữa các kênh phân phối với nhau giữa từng địa phương ra sao?.

Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia trong và ngoài nước, các đơn vị trực tiếp thực thi các hoạt động về HIV/AIDS và đại diện khối tư nhân thảo luận về việc hợp tác công tư hiệu quả cho lĩnh vực HIV.

Tại hội thảo, ông Chris Brady, Chuyên gia về Cơ hội Thị trường của Tổ chức PATH tại Mỹ, trình bày về khái niệm cách tiếp cận thị trường tổng thể, tổng quan tình hình của Việt Nam, các thách thức đối với nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân và lộ trình gợi ý cho Việt Nam để thực hiện một kế hoạch tổng thế hợp lý đối với lĩnh vực HIV.

Những phát hiện chính ban đầu về nghiên cứu phân tích thị trường và khách hàng do dự án Healthy Markets mới thực hiện gần đây cũng được chia sẻ tại hội thảo. Nghiên cứu cung cấp các thông tin về cơ sở dữ liệu, sử dụng, thói quen, tính sẵn sàng chi trả và sở thích của nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất đối với dịch HIV là nam quan hệ đồng giới, phụ nữ hàng nghề mại dâm và người tiêm chích ma túy. Đây cũng chính là cơ sở để xây dựng các chương trình về HIV phù hợp và bền vững tại Việt Nam.

Đây là cuộc gặp gỡ lần thứ tư của Nhóm Cố vấn Tăng trưởng Thị trường. Cuộc họp đầu tiên của nhóm diễn ra vào tháng 12/2014, tập trung vào hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước đưa ra định hướng cải thiện và thúc đẩy thị trường dự phòng HIV tại Việt Nam. Cuộc họp lần hai vào tháng 3/2015 thảo luận về quản lý chất lượng bao cao su.

Cuộc họp thứ ba vào tháng 7/2015 nhằm tìm ra các giải pháp để huy động động sự tham gia và đầu tư của tư nhân cung cấp hàng hóa và dịch vụ dự phòng HIV./.