Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ở nhiều nơi hàng ngày vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn bom mìn, làm chấn thương, thậm chí thiệt mạng nhiều người dân.

Hơn một năm đã trôi qua, nhưng anh Nguyễn Văn Sứ ở xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại vụ tai nạn bom bi đã cướp đi sự lành lặn, tuổi thơ trong sáng của con trai Nguyễn Trung Minh.

Một buổi sáng đầu năm 2012, một học sinh cùng trường THCS Tiên Phong nhặt được quả bom bi, ném lên cành bàng, rơi xuống sân trường phát nổ, làm 4 em học sinh lớp 8C bị thương, trong đó nặng nhất là em Nguyễn Trung Minh. Hậu quả của vụ tai nạn khiến Minh phải nằm trên giường bệnh, mọi sinh hoạt trông nhờ bố mẹ.

bom.jpg
Các cơ quan chức năng đã dò tìm, thu gom, xử lý hàng trăm triệu bom mìn các loại (Ảnh minh họa)

Anh Nguyễn Văn Sứ, bố em Minh nhớ lại: “Khi nhận được tin này bản thân tôi cũng như gia đình rất hoang mang. Hôm đó  trường có 4 cháu trong đó có 3 cháu bị thương nhẹ sau đó là đi học được. Riêng cháu Minh  bị thương nặng. Tôi mong muốn các cấp, ngành khắc phục hậu quả bom mìn để không có gia đình nào bị như gia đình tôi nữa”.

Thống kê cho thấy, cả nước đã có trên 40.000 người chết, 60.000 người bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh. Trong suốt 37 năm qua trung bình mỗi ngày có 4 người chết và 6 người bị thương do hậu quả này.

Các địa phương bị tác động bởi bom mìn nhiều nhất sau chiến tranh là các tỉnh, thành miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… Ô nhiễm bom mìn đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, tính mạng đời sống của nhân dân. Hàng năm Nhà nước đã phải chi hàng ngàn tỷ đồng cho rà phá bom mìn, cấp cứu hỗ trợ nạn nhân, mà những người đi đầu, trực tiếp rà phá, khắc phục hậu quả này các chiến sĩ Binh chủng Công binh.

Không quản khó khăn, nguy hiểm, thậm chí là tính mạng, các anh luôn có mặt tại các “điểm nóng” bom mìn sót lại sau chiến tranh để vô hiệu hóa một số lượng lớn chưa phát nổ.

Đại tá Nguyễn Xuân Tùng, Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh cho biết,Bộ đội công binh đã tham gia các công việc rà phá bom mìn ở những khu vực rất khó khăn, nguy hiểm, mật độ cao như ở các căn cứ quân sự cũ, những kho tàng, vùng biên giới, mục tiêu đánh phá trước đây. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bộ đội công binh luôn khắc phục khó khăn, để hoàn thành nhiệm vụ.

Kết quả của những nỗ lực trong rà phá bom mìn, giữ bình yên cuộc số sống cho nhân dân là đến nay, các cơ quan chức năng đã dò tìm, thu gom, xử lý hàng trăm triệu bom mìn các loại, giải phóng hàng trăm ngàn hecta đất, tạo môi trường an toàn cho nhân dân sản xuất, sinh sống.

Công tác giáo dục phòng tránh bom mìn được các bộ, ngành, địa phương và một số tổ chức quốc tế tích cực triển khai. Việc hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn bom mìn tái hòa nhập cộng đồng cũng được thực hiện một cách hiệu quả. Tuy nhiên, so với thực tế khoảng 9.000 xã được xác định bị ô nhiễm bom mìn (tương đương 80% diện tích) thì công việc rà soát, xử lý cần rất nhiều công sức, tiền của.

Theo ông Bùi Hồng Lĩnh, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương Binh và xã hội, cùng với việc tập trung nguồn lực, khắc phục hậu quả, chúng ta đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

“Vừa qua Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ra chương trình phối hợp với các bộ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cụ thể cho người dân. Từ đó tạo ra nhận thức, đặc biệt thanh thiếu niên trong phòng tránh bom mìn. Còn vấn đề giải quyết hậu quả thì chúng ta phải đầu tư nguồn lực để khắc phục”,ông Bùi Hồng Lĩnh cho biết.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, phải mất rất nhiều thời gian nữa để nước ta trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn. Nhưng ngay từ lúc này, để tránh những tai nạn, tổn thất do bom mìn, rất cần ý thức tự phòng tránh của mỗi người dân; trách nhiệm, sự chung tay của cộng đồng trong việc huy động nguồn lực cùng lực lượng chức năng rà soát, xử lý những “điểm nóng” bom mìn còn sót lại./.