Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, chiều 23/12, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến đã báo cáo Thủ tướng về thực trạng thi tuyển công chức ở địa phương.

ong%20chien.jpg
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến

Để khắc phục tình trạng những năm trước “cứ thi là đỗ” trong tuyển dụng công chức, tình trạng chạy trọt, “đi cửa sau”, một nguyên nhân chính làm giảm chất lượng bộ máy quản lý nhà nước.

Ông Chiến cho biết: “Năm 2013, tôi đã trực tiếp đã chỉ đạo thi tuyển cán bộ công chức với nguyên tắc tuyệt đối bí mật và đảm bảo khách quan. Tôi nói rõ với thường trực Tỉnh ủy là không được ai gửi, kể cả con cái của người đó tôi cũng không tuyển” – ông Chiến nói.

Cách làm này, theo ông Chiến, đã được dư luận rất đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, kết quả thi tuyển lại “rất đáng buồn”. 

Bởi lẽ, trong tổng số 419 thí sinh thi thì ngay sau buổi sáng thứ nhất đã có tới 70 thí sinh bỏ thi. “Do làm hết bài buổi sáng, tính không được 50 điểm, có thi tiếp cũng không giải quyết được gì nên bỏ” – ông Chiến giải thích cho lý do các thí sinh bỏ thi. 

Kết quả là cả năm chỉ được 129 thí sinh đủ 50 điểm trở lên, đủ điều kiện xét tuyển, đạt 28,6%; còn lại trượt hơn 71 người.

Người đứng đầu tỉnh Thanh Hóa cho rằng khó đánh giá cụ thể có bao nhiêu phần trăm cán bộ không làm được việc, nhưng theo quan sát và ước tính của ông, tỷ lệ này chắc chắn phải là hai con số chứ không phải chỉ 1-2%.

Ông Chiến cũng nhận trách nhiệm “Mấy năm trước chúng tôi có khuyết điểm lớn là không theo sát cái này, cho nên cứ thi là đậu! Rất nguy hiểm ở chỗ, bộ máy công chức ở Thanh Hóa mấy năm trước về lượng là tăng, nhưng trót thi mất rồi thì không làm sao được”. 

Chính vì vậy, ông Chiến cho rằng, cần phải có một đề án để làm thật quyết liệt, chặt chẽ, siết chất lượng đầu vào, qua đó mới cải thiên được chất lượng bộ máy.

Đề cập hoạt động rà soát, giám sát năng lực cán bộ, ông Chiến cho biết, Thanh Hóa đã làm rất chặt chẽ và chắc chắn trong khâu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Giám đốc các sở ban ngành, Chủ tịch các huyện và ban hành thành cơ chế đến các đơn vị.

Kết quả, tỷ lệ giải quyết công việc của các tổ chức, cá nhân gửi về địa bàn tỉnh đạt trên 99%. Theo nhận định của ông Chiến, việc có quy chế giám sát này là hết sức cần thiết, phải làm và làm sớm.

Năm 2014, Thanh Hóa dự kiến sẽ tập trung thực hiện quyết liệt hơn trong quản trị nguồn nhân lực, nhằm đưa tốc độ tăng trưởng GDP địa bàn đạt từ 11,5% trở lên.

Muốn vậy, tỉnh xác định và dứt khoát quản lý chất lượng đội ngũ công chức, giám sát và xây dựng các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ ở cấp quản lý nhà nước.

Một bất cập được ông Chiến nêu trong cuộc họp với Chính phủ là việc xác định và quy trách nhiệm cho người đứng đầu trong quản lý nhà nước. Mặc dù Nghị định Chính phủ và Thông tư đều có, nhưng khi phát sinh vụ việc tại cơ sở thì lại rất khó xác định được trách nhiệm của giám đốc sở đến đâu, Chủ tịch huyện chịu đến đâu nên gây khó khăn cho việc xử lý./.