Chân dung nông dân Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập nên được khắc họa như thế nào: Họ giàu có, giỏi giang hay đổi mới, sáng tạo; họ là những người suốt ngày lam lũ, vất vả một nắng hai sương mà vẫn thiếu đói, nghèo nàn, lạc hậu; hoặc là những người “nông dân công” đang bị chính sách bỏ rơi ở các phố thị ồn ào, náo nhiệt?

Chấm phá theo kiểu “thầy bói xem voi” - Tham gia hội thảo “Chân dung người nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập”, được Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) và Viện Xã hội học đồng tổ chức ngày 5/12 vừa qua, các học giả ai nấy đều mang trong mình một tâm trạng.

nong-nghiep-1.jpg
Cần nhìn nhận nông dân trong vai trò trung tâm của "tam nông"

Nhiệt huyết dường như ai cũng có, nhưng để phác họa được một hình ảnh về nông dân Việt Nam lại không hề đơn giản. Chẳng thế mà dù có 2 bức họa chính: “Chân dung người nông dân Việt Nam” và “Thực trạng áp dụng khoa học trong nông nghiệp nhìn từ phía nông dân” do các học giả của Viện Ipsard trình bày cùng hai góc nhìn khác về hình ảnh người nông dân có tên: “Bức tranh nghèo và các thiết chế xã hội trong phát triển nông thôn” - khảo sát của tổ chức Oxfam và nghiên cứu “Một số vấn đề về đời sống văn hoá xã hội nông thôn Việt Nam” của Viện Xã hội học, nhưng hình ảnh người nông dân vẫn mập mờ nhân ảnh, thiếu nét, nếu không nói là ít ăn nhập với chủ đề của hội thảo.

Nhắc đến nông dân Việt Nam là nhắc đến một lực lượng hùng hậu, đông đảo bậc nhất. Để khắc họa được hình ảnh đặc trưng nhất về nông dân vừa dễ, vừa khó. Dễ bởi với không ít học giả, cán bộ công chức đều có gốc gác nông dân nên ai nấy đều mang trong mình một hình dáng nông dân Việt Nam. Khó bởi do đông như vậy mà khắc họa chung thành một đặc điểm, hình ảnh thì nhiều khi phiến diện như kiểu “thầy bói xem voi”. Ai nói cũng thấy đúng, nhưng lại chưa thấy đủ và toàn diện để tạo thành một bức tranh nông dân hoàn chỉnh.

Trước những nét vẽ có vẻ hàn lâm và xa lạ của các học giả tại hội thảo, GS. Nguyễn Lân Hùng đã chỉ ra những đặc trưng dễ nhận biết nhất của người nông dân: “Hiện nay có ba nhóm nông dân: Người năng động thì giàu có, người cần cù thì đủ ăn, còn người “lờ đờ”, ít tiếp xúc thì “đói”.

Cũng theo cách “chấm phá” ấy, ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, chân dung nông dân hiện nay phải gắn với “năm cái nhất”: Đông nhất, nghèo nhất, hy sinh nhiều nhất, hưởng lợi ít nhất và bức xúc nhất. Những cái nhất ấy đặt trong bối cảnh chúng ta thực hiện “tam nông ba nhất”: Nông dân khổ nhất, nông nghiệp vất vả nhất, và nông thôn khó khăn nhất, khiến ai nấy đều thấy chạnh lòng.

Trong khi đó, theo ông Phạm Quốc Doanh - Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cho rằng: Có một nhóm “nông dân công” là những người nông dân ra thành phố làm thuê kiếm sống, họ chưa được bảo vệ quyền lợi và cũng không ai biết họ ra sao.

Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, GS. Nguyễn Xuân Thắng cho rằng: “Quan trọng nhất là đánh giá người nông dân không chỉ ở khía cạnh thiệt thòi, nghèo khó mà cần gắn với các bước chuyển đổi, trong đó người nông dân với vai trò sáng tạo”. Ông Thắng cũng khuyến nghị nên nhìn nhận nông dân trong vai trò trung tâm của “tam nông” để khắc họa đầy đủ và rõ nét chân dung của nông dân, chỉ ra những nét tích cực và những yếu kém của họ… Nhìn nhận những hạn chế của họ để giúp họ phát huy khả năng chứ không phải để đánh giá thấp vai trò của họ.

Hình mẫu nông dân hiện đại như thế nào? - Nhìn một cách tổng thể thì đại bộ phận nông dân nước ta còn nghèo, “chỉ đủ ăn, đủ mặc nhưng thiếu tiền mặt”. GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, phải phân tích tại sao dân lại nghèo. “Tôi đi Chiêm Hóa (Tuyên Quang), vào nhà một cụ già gia đình có công với cách mạng thấy vẫn nghèo lắm. Hỏi về thu nhập, cụ liệt kê một hồi tôi chia ra thì mỗi ngày gia đình chỉ có thu nhập vài ngàn đồng. Như thế là tự cung tự cấp, nông dân đủ ăn, mặc đủ ấm nhưng không có tiền…” - GS Nguyễn Lân Dũng kể.

Theo khảo sát của Oxfam, có tới 55% số hộ được hỏi cho rằng đời sống của họ tốt hơn trong 5 năm qua (2007 - 2011); chỉ có 9% số hộ khảo sát cho biết đời sống của họ kém đi do những nguyên nhân như gia đình thiếu lao động, chịu ảnh hưởng của thiên tai, thiếu vốn và giá cả bất lợi. Tuy vậy, theo TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Ipsard, chỉ có 7% nông dân hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Số liệu thống kê chính thức cho thấy, thu nhập của một nông dân vẫn ở mức rất thấp (chỉ khoảng 1.400.000 đồng/tháng). Ngoài vấn đề về thu nhập hạn chế, người nông dân vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cú sốc tập thể như thiên tai hay giá cả, và nhìn chung khả năng phục hồi sau các cú sốc còn hạn chế. Khi khó khăn họ không biết làm gì ngoài việc cắt giảm chi tiêu, bán đất hay kêu gọi sự trợ giúp của người thân, rất ít người tìm kiếm sự trợ giúp của chính quyền hay bảo hiểm. Người nông dân còn phải loay hoay với những khó khăn gặp phải trong đầu vào sản xuất như giá vật tư cao và khó tiếp cận với tín dụng nông nghiệp. Họ cũng đau đầu tìm đầu ra cho sản phẩm bởi họ còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường, thiếu khả năng chế biến, thiếu thông tin về giá bán sản phẩm…

Từ những thực tế trên, nhiều người đặt ra câu hỏi: Chân dung của nông dân Việt trong tương lai sẽ như thế nào để đáp ứng được vai trò chủ thể trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước? Nói về hình mẫu nông dân hiện đại, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam mong muốn, chân dung người nông dân thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập phải có 9 đặc điểm sau: Phải có trình độ khoa học công nghệ ở một mức độ nhất định chứ không thể như hiện nay là sản xuất theo kinh nghiệm, thói quen; Phải thạo nghề, có kỹ năng nghề; Phải có kiến thức sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường, chứ như hiện nay còn nặng về tự cấp, tự túc; Phải có kỹ năng sử dụng công cụ, phương tiện cơ giới hóa, tin học hóa vào sản xuất, nếu không khó tăng năng suất, chất lượng nông sản phẩm; Biết gìn giữ, phát huy, bảo tồn bản sắc, truyền thống văn hóa của nông thông Việt Nam; Biết kết hợp phát huy truyền thống vừa cần cù vừa sáng tạo; Biết liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh; Phải biết bảo vệ môi trường, môi trường nông thôn; Có tình cảm trong sáng, tính cộng đồng cao, gắn kết tình làng nghĩa xóm. “Nhưng làm thế nào để người nông dân có 9 đặc điểm đó, để nông dân có thể chủ trì? Ai đứng ra làm được điều đó? Rất khó, phải có phương thức, phương pháp, trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt. Không nên để tình trạng như vừa qua là mục tiêu đề ra cao, đầu tư thì chưa đủ, còn chính sách thì nửa vời…” - ông Cường tỏ ra băn khoăn.

Ông Phạm Quốc Doanh, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhớ lại: Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã từng có nghị quyết riêng về CNH, HĐH nông thôn. Và khi tập hợp lại những chủ trương chính sách trong 10 năm thực hiện nghị quyết thì tài liệu lên đến 10.000 trang, nặng 5kg. “Nếu thực hiện được các chính sách trong 10 năm đó thì nông dân bây giờ đã khác xa, không như thế này. Tôi sợ 5 năm nữa, (khi tổng kết nghị quyết về tam nông) không khéo lại nhận được một túi tài liệu như thế”, ông Doanh chia sẻ./.