Gần 10 tháng trôi qua, cuộc tìm kiếm nạn nhân mất tịch ở Rào Trăng 3, huyện Phong Điền, tỉnh thừa Thiên Huế là những nỗ lực lớn từ nhiều phía. Chính quyền và lực lượng quân đội triển khai nhiều phương án tìm kiếm. Ai có mặt tại hiện trường đều xúc động khi chứng kiến những người vợ vượt quãng đường xa, đem theo con nhỏ, ngóng trông từng ngày mong tìm được tung tích của chồng, của cha. Với những người ở lại, tìm được hài cốt người thân là nguyện vọng lớn nhất.

Những ngày này, chị Lê Thị Linh, quê ở huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, luôn có mặt ở khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế chờ tin tìm kiếm tung tích người chồng. Lúc anh đi, chị đang mang thai. Hơn 9 tháng mòn mỏi ngóng tin chồng, bây giờ chị mới vào được Rào Trăng 3 tìm thi thể của anh. Bế theo đứa con nhỏ 8 tháng tuổi, lòng chị quặn thắt nhớ về người chồng mất tích. Chị Linh kể, anh chị nên duyên vợ chồng được 8 năm, có với nhau 4 mặt con nhưng anh thường đi làm xa, ít có dịp ở nhà. Lúc chị gần chuyển dạ sinh con cũng là lúc nhận tin chồng gặp nạn. Chị Linh nói trong nước mắt: Ngày chồng mất tích, chị chuẩn bị sinh bé Gạo, nghe tin dữ chị suy sụp tinh thần. Bây giờ chị chỉ mong tìm được thi thể của chồng, sớm đưa anh trở về với gia đình, làng xóm:

“Bây giờ anh ra đi thì thiệt thòi cho các con rất nhiều, giờ em có làm chi thì cũng không thể bù đắp được cho các con về tình thương của bố được. Bây giờ em mới hơn 28 tuổi mà 4 đứa con rồi, đứa đầu mới 8 tuổi, đứa thứ hai 5 tuổi, đứa thứ ba 3 tuổi, bé cuối mới được 8 tháng. Gia đình thì mới được cái nhà nhỏ nhỏ thôi. Chừ em chỉ lo trời mưa bão gió, nhà cửa mà không sập mất”, chị Linh tâm sự.

Vượt quãng đường xa hơn 500 km vào Thừa Thiên Huế, ông Lê Văn Phùng quê ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa có mặt tại công trình thủy điện Rào Trăng 3 suốt hai tuần nay. Ông Phùng luôn mong sớm tìm được thi thể của con mình. “Gia đình cũng mong muốn tìm được con em mình, đưa về với tổ tiên ông bà để cho gia đình bớt những cái buồn và đau khổ. Nhưng mà nếu chưa tìm kiếm được thì gia đình lúc nào cũng như đang còn mất mát điều gì mà suốt đời mình vẫn còn nhung nhớ ở trong thâm tâm. Nói chung là cũng không hết được cái nỗi đau", ông Phùng cho biết.

Là một trong những người có mặt từ ngày đầu triển khai tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Rào Trăng, chị Mai Thị Thu Thúy, ở tỉnh Thừa Thiên Huế chưa bao giờ hết hy vọng. Chị luôn mong, chồng mình đang ở một nơi nào đó, rồi lực lượng cứu hộ cứu nạn sẽ tìm ra người mình chờ đợi. “Chồng em là một người tuyệt vời đối với vợ con, với công việc, là anh đặt lên hàng đầu. Bây giờ chồng mất đi là quá đáng tiếc dối với bản thân em. Anh tội lắm, không bao giờ nói nặng chi với vợ hết. Vợ với con là anh đặt lên hàng đầu. Khi anh đi thì anh cũng không kịp nói chi với vợ con một lời. Tội!”, chị Thủy nói.

Đến hiện trường vụ sạt lở từ những ngày đầu và tham gia tìm kiếm từ những ngày đầu đến nay, những người thân của các nạn nhân luôn nuôi hy vọng tìm được người thân cùa mình. Mỗi khi lực lượng tìm kiếm tìm thấy bất kỳ vật vật dụng, tư trang gì, họ đều nín thở, dò tìm dấu vết người thân. Những giọt nước mắt của họ quyện vào từng nắm đất, chờ đợi một phép màu tìm thấy nạn nhân và đưa các anh về với gia đình.

 

Thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đến nay vẫn còn nhiều người mất tích, các anh sẽ tiếp tục tập trung cho công tác tìm kiếm thi thể các nạn nhân để đưa các anh về với gia đình, người thân: “Chúng tôi đã triển khai các phương tiện, tiếp tục đào xới trên các bãi bồi của sông Rào Trăng. Quá trình đào bới luôn có sự chứng kiến của công ty Thủy điện Rào Trăng và đặc biệt là gia đình của các thân nhân. Cứ mỗi lần nhìn thấy người thân của các công nhân đang cùng ngày đêm bám lực lượng thì những người lính chúng tôi lại đau đáu một nỗi niềm, trách nhiệm của mình, luôn cố gắng, khắc phục khó khăn để tìm kiếm có kết quả, để vơi đi phần nào nỗi đau của các gia đình”./.