Ngay sau chuyến công tác “Xuyên Tết, xuyên Việt” kiểm tra tình hình thực hiện dự án giao thông trọng điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã tổ chức một cuộc họp khẩn hôm 9/2 để quán triệt những chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng trong quá trình triển khai các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Gắn trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu
Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: “Chuyến công tác “Xuyên Tết, xuyên Việt” vừa qua của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt là của Chính phủ đối với ngành GTVT và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của quốc gia, trong đó có cao tốc Bắc – Nam”.
Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan đơn vị liên quan dự hội nghị phải nhận thức, tiếp thu một cách sâu sắc những quan điểm chỉ đạo, bài học kinh nghiệm được Thủ tướng rút ra sau chuyến công tác nhằm cụ thể hóa bằng tư duy đổi mới, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn đối với những Dự án đang triển khai cũng như chuẩn bị thật tốt cho việc thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Lưu ý các đơn vị liên quan phải nhận thức rõ trách nhiệm của ngành GTVT, của đơn vị và cá nhân đối với việc triển khai thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các Ban QLDA và cá nhân lãnh đao ban phải chịu trách nhiệm trước Bộ GTVT về việc thực hiện nhiệm vụ quản lý dự án được giao.
“Bộ GTVT sẽ ràng buộc trách nhiệm, tăng tính độc lập trong suốt quá trình thực hiện dự án, trong đó ngay sau Tết, giám đốc ban quản lý dự án phải khẩn trương trực tiếp xuống hiện trường để khảo sát, trao đổi với các địa phương để chốt phương án về hướng tuyến của các dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Trong quá trình triển khai sắp tới, người đứng đầu ngành GTVT yêu cầu các ban quản lý dự án và đơn vị liên quan phải phải kiểm soát, bảo đảm tiến độ triển khai thực hiện cũng như chất lượng các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025.
“Muốn vậy, công tác chuẩn bị hồ sơ dự án phải làm tốt ngay từ đầu. Đồng thời, các ban quản lý dự án phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, cần tiến hành rà soát, tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo đầy đủ nguồn vật liệu phục vụ thi công”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lưu ý.
Người đứng đầu ngành giao thông nhấn mạnh, trong quá trình tổ chức thực hiện, các ban quản lý dự án, cơ quan liên quan phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các đơn vị không thực hiện đúng quy định, vi phạm hợp đồng đã ký kết; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để triển khai các nội dung khác tại Nghi Quyết của Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 phải bảo đảm tiến độ, chính vì vậy cần tăng cường ứng dụng các công nghệ hiện đại, các giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công mới, hiệu quả hơn, rút ngắn được thời gian xử lý những hạng mục phức tạp như nền đất yếu…không ngừng sáng kiến để tăng năng suất lao động, tận dụng và sử dụng hợp lý các nguồn lực…
Khởi công ngay khi đủ các điều kiện
Sau thời điểm Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, để chủ động công việc, Bộ GTVT đã ban hành các quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025. Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA lập kế hoạch triển khai đảm bảo tiến độ thực hiện theo nghị quyết của Quốc Hội và nghị quyết của Chính phủ với các mốc thời gian cụ thể.
Trong đó, công tác lập, thẩm tra, thẩm định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hoàn thành chậm nhất ngày 31/5/2022 (đối với các dự án thuận lợi), còn các dự án phức tạp hoàn thành muộn nhất ngày 30/6/2022. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, Bộ GTVT yêu cầu các ban quản lý dự án hoàn thành công tác bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương trong giai đoạn 1 (các đoạn tuyến có yếu tố địa hình thuận lợi) trước ngày 15/3/2022; hoàn thành giai đoạn 2 (các đoạn tuyến có yếu tố địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp hơn) trước ngày 30/4/2022; hoàn thành giai đoạn 3 (các đoạn còn lại) trước ngày 30/6/2022.
“Bộ GTVT đề nghị địa phương khi có Nghị quyết của Chính phủ sẽ thành lập ngay Ban Chỉ đạo GPMB của tỉnh, Hội đồng GPMB cấp huyện có tuyến cao tốc đi qua và ngay sau khi tiếp nhận cọc GPMB sẽ tổ chức thực hiện một số công việc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 31/12/2022 và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong quý 2/2023”, Bộ GTVT thông tin.
Đáng chú ý, để chuẩn bị triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, từ hơn một năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và các Thứ trưởng được phân công phụ trách khu vực đã liên tục có nhiều chuyến công tác trên thực địa từ Bắc chí Nam để thống nhất, thỏa thuận với chính quyền địa phương về hướng tuyến để tuyến cao tốc đi thẳng nhất, tránh tối đa các khu dân cư, theo tinh thần “qua sông bắc Cầu, qua núi đào hầm, qua ruộng đổ đất” của Thủ tướng Chính phủ.
Gần nhất, trong các ngày từ 13-14/1/2022 và 21-22/1/2022, lãnh đạo Bộ GTVT cùng các Ban Quản lý dự án và các đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm đã kiểm tra hiện trường, làm việc với Quân khu 4 - Bộ Quốc phòng và UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; làm việc với Quân khu 5 - Bộ Quốc phòng và UBND các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa về hướng tuyến và các nội dung liên quan dự án;
Không chỉ lãnh đạo Bộ GTVT, các ban quản lý dự án cũng vào cuộc rốt ráo trong thời gian qua để làm việc với chính quyền các địa phương nhằm đẩy nhanh công tác triển khai các tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025. Điển hình, từ ngày 24-26/1/2022, Ban QLDA Mỹ Thuận đã làm việc với Sở GTVT TP. Cần Thơ, UBND các tỉnh: Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau về hướng tuyến và các nội dung liên quan dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau.
“Qua những buổi làm việc, các địa phương đều thống nhất sẽ tích cực phối hợp với Bộ GTVT trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt là công tác GPMB để đảm bảo tiến độ chung của dự án khởi công trong năm 2022”, Bộ GTVT thông tin./.
Ngày 11/1/2022, Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau. Dự án gồm 12 dự án thành phần, dài khoảng 729km, tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng.