Dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Cao Bồ-Mai Sơn với tổng chiều dài 15,2km, trong đó có 22km đường gom, 7 cầu và 3 hầm chui dân sinh, tổng mức đầu tư 1.162,85 tỷ đồng được khởi công tháng 12/2019, dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2021. Hiện nay, nhà thầu thi công đang gặp khó khăn do thiếu nguồn vật liệu đất đắp nền, có khả năng không về đích đúng hẹn.
TEDI đánh giá thiếu chính xác trữ lượng mỏ đất
Theo báo cáo của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, nhà thầu thi công xây dựng gói thầu số 10-XL (Km274+111,86-Km289+500, đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45) của dự án cao tốc Bắc-Nam, đến nay, khâu giải phóng mặt bằng đã hoàn thành 100%, khối lượng xây lắp đạt khoảng hơn 60%; trong đó phần cầu đạt 73%, phần đường, hầm chui mới đạt 22%.
Ông Đỗ Thành Chung, Phó giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường cho biết, phần đường tuyến chính của dự án đã thi công xong cơ bản hạng mục xử lý nền đất yếu, đắp gia tải, đắp nền đường. Hiện, nhà thầu đang thi công móng cấp phối đá dăm loại 1 phía Nam Định và đang thi công móng, mặt đường 2 nhánh của nút giao Mai Sơn; các cầu trên tuyến đã thi công đạt khoảng khoảng 73%.
“Nhà thầu đưa mục tiêu đặt ra hoàn thành thi công toàn bộ gói thầu chính trước ngày 30/10/2021, hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án, đưa công trình vào khai thác sử dụng trong năm 2021 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Bộ GTVT”, ông Chung cho biết.
Hiện nay đơn vị đang gặp phải khó khăn lớn nhất là thiêu đất đắp nền đường theo quy định. Vì đây là công trình trọng điểm Quốc gia như chỉ đạo của Bộ GTVT, nguồn vật liệu đất đắp phải đảm bảo trữ lượng, được cấp phép hợp lệ mới được sử dụng cho công trình.
Tuy nhiên, trong bước thực hiện bản vẽ thi công, nhà thầu khảo sát thực tế các mỏ vật liệu được phê duyệt từ bước thiết kế kỹ thuật không đảm bảo trữ lượng, chất lượng, không đủ hồ sơ pháp lý khai thác hoặc chưa giải phóng mặt bằng.
Theo hồ sơ bước thiết kế kỹ thuật của Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI), vật liệu đắp nền đường của gói thầu khoảng 1,8 triệu m3 được mua từ mỏ Thống Nhất (khảo sát bổ sung mỏ Đồi Giàng, mỏ Sòng Vặn) vận chuyển về đắp nền đường công trình.
Thực tế, thời điểm hiện tại, mỏ Thống Nhất không còn khối lượng như thời điểm khảo sát và chưa được cấp phép khai thác nên không có thực; mỏ Đồi Giàng trữ lượng đất ít; mở Sòng Vặn chưa giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, do đặc thù các mỏ đất tại khu vực thành phố Tam Điệp chủ yêu là đá xít, chỉ có một lớp đất phủ phía trên dày khoảng 1,5-2m, phần lớn đã được khai thác hết lớp đất phía trên nên khối lượng đất đắp còn lại rất ít, không đủ để cấp cho gói thầu.
Đối với mỏ Đồi Giàng, nhà thầu đã làm việc với đơn vị chủ mỏ để khai thác, chọn lọc đất đảm bảo tiêu chuẩn đắp nền K95 nhưng chỉ có một số vị trí lớp đất phủ phía trên dày khoảng 1,5-2m, khối lượng đất khai thác tối đa được khoảng 100.000 m3, không đáp ứng đủ cho gói thầu.
Kiến nghị sớm bổ sung mỏ vật liệu cho công trình
Theo ghi nhận của PV VOV.VN tại dự án, nhà thầu thi công tập trung đầy đủ máy móc, thiết bị, tài chính, nhân lực để triển khai thi công, lập và quản lý chặt chẽ tiến độ thi công chi tiết và thi công tổng thể dự án, nghiêm túc thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh...
Đặc biệt, đoạn tuyến cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn có 5km nền đất yếu, theo thiết kế phải xử lý đất yếu đắp bằng đất, nếu dùng vật liệu mỏ đá núi Voi Trong thì cường độ mặt đường sẽ được gia tăng và đi kèm với đó là tăng chi phí nhưng chất lượng đảm bảo hơn.
Để đảm bảo tiến độ, nhà thầu đề nghị tỉnh Ninh Bình và Bộ GTVT bổ sung mỏ vật liệu, sử dụng vật liệu cấp phối thiên nhiên được khai thác tại mỏ núi Voi Trong (xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) có trữ lượng 15 triệu m3, là mỏ vật liệu đủ hồ sơ pháp lý cho dự án, có cự ly vận chuyển đến công trình gần nhất, chất lượng đảm bảo đắp nền đường K95, K98; đơn giá tính theo điều kiện khai thác, cự ly vận chuyển thực tế và các loại thuế, phí theo quy định hiện hành nhằm đảm bảo cho công tác thi công, đưa dự án về đích đúng tiến độ.
“Nếu được các cơ quan chức năng thông qua, dự án chắc chắn sẽ phải điều chỉnh dự toán tăng lên (giá đất khi dự án được duyệt chỉ là 60.000 đồng/m3 nhưng giá hiện tại đã cao gấp hơn 2 lần, tương đương khoảng 130.000-140.000 đồng/m3). Tuy nhiên, chất lượng của mỏ này rất tốt do đất lẫn với đá nhỏ và quan điểm của Bộ GTVT là đồng ý nhưng chỉ chờ báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết vấn đề về giá thì sẽ triển khai lấy vật liệu tại mỏ núi Voi Trong này”, ông Chung nói.
Tại buổi kiểm tra tiến độ thi công cao tốc Bắc Nam đoạn Ninh Bình – Thanh Hóa mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia, là công trình mẫu nên không được phép sai sót trong quá trình thực hiện, phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu. Ông Thể cũng đề nghị các địa phương quyết tâm hoàn thành GPMB, tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là các mỏ vật liệu thi công trong tháng 3 để bàn giao cho đơn vị thực hiện dự án, đồng thời yêu cầu đại diện các chủ đầu tư phải xử lý nền đất yếu đúng tiến độ, xử lý các vướng mắc về giải ngân...
“Không vì nền đất yếu mà làm chậm tiến độ thi công, không vì đất yếu mà làm giảm chất lượng công trình”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT cũng đã cử các đơn vị liên quan làm việc với các địa phương và đề nghị đẩy nhanh tiến độ cấp phép mỏ; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giá vật liệu xây dựng; có giải pháp, chế tài kịp thời và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.
Bộ cũng chỉ đạo tư vấn tiếp tục khảo sát các khu vực lân cận tuyến để tìm kiếm các mỏ có đủ điều kiện về chất lượng, trữ lượng; điều phối đất để tận dụng ngay vật liệu đủ tiêu chuẩn đắp nền; nghiên cứu tận dụng đối với vật liệu đào đổ thải theo hướng có thể nghiền và phối trộn để đạt tiêu chuẩn đắp nền.../.