Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số liệu giám sát cúm mùa từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ từ 14/5 tới 27/5/2018, cho thấy trong hơn 67.928 mẫu xét nghiệm đã ghi nhận 2.328 mẫu dương tính với cúm, trong đó có 69,4% là cúm A, còn lại là cúm B. Trong các tuýp cúm A chiếm phần lớn là phân tuýp cúm A/H1N1 với 75,1%, còn lại là cúm A/H3N2 chiếm 24,9%.
Tại Việt Nam, theo số liệu của hệ thống giám sát cúm quốc gia, trong những năm trước và những tháng đầu năm 2018, cúm A/H1N1 chiếm khoảng 20-50% trong số các chủng cúm mùa lưu hành tại Việt Nam, còn lại là cúm B và cúm A/H3N2.
Bệnh nhân điều trị cúm A/H1N1 tại BV Chợ Rẫy. |
Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cúm A/H1N1 là một trong các chủng cúm mùa. Người mắc cúm A/H1N1 thường có biểu hiện nhẹ như sốt, hắt hơi, chảy mũi, ho, viêm họng, sau 5-7 ngày bệnh sẽ khỏi. Tuy nhiên, với những người có bệnh nền, bệnh mãn tính, hoặc người già khi mắc bệnh cúm cần hết sức cẩn thận.
“Một tỷ lệ nhỏ các trường hợp thường ở những người có sức đề kháng kém, người có bệnh mạn tính như suy thận, đái tháo đường…, người già, trẻ em và phụ nữ có thai có thể có diễn biến nặng như viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí tử vong”- ông Tấn nói.
Theo ông Đặng Quang Tấn, bệnh cúm mùa xuất hiện quanh năm, đặc biệt là cúm lưu hành như A/H1N1, A/H3N2 có thể tấn công mọi đối tượng ở những nhóm tuổi khác nhau, nhưng trẻ dưới 5 tuổi và người trên 65 tuổi dễ mắc bệnh nhất.
Điều đáng nói, tình hình dịch bệnh cúm A/H1N1 lan rộng lại do chính người dân và một số cơ sở y tế chưa nhận thức được mức độ dễ lây lan của bệnh để có phương án điều trị phù hợp. Trong khi điều đáng lo ngại là thời tiết chuyển mùa hiện nay chính là thời điểm các bệnh cúm mùa dễ tấn công và lây lan nhanh trong cộng đồng.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người mắc bệnh cúm cần nghỉ ở nhà, không đi học, đi làm trong vòng 7 ngày sau khởi phát vì đây là khoảng thời gian vi rút cúm đào thải ra môi trường.
Để phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám và chữa bệnh, người nhà, người bệnh cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 01 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.
Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi bằng tay áo, hoặc dùng khăn giấy sau đó bỏ vào thùng rác, nếu che bằng tay thì cần rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi nhằm trách lây nhiễm sang vật dụng khác.
Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.
Những người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh cúm. Không tự ý sử dụng thuốc kháng vi rút như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc. Bên cạnh đó, người dân có thể phòng bệnh chủ động bằng cách đến các cơ sở y tế dự phòng để tiêm vaccine cúm./.
Bệnh viện Chợ Rẫy phát hiện nhiều ca nhiễm cúm A/H1N1
Cụ bà 84 tuổi nhiễm cúm A/H1N1 ở Cần Thơ đã xuất viện
Cụ bà 84 tuổi nghi nhiễm cúm A/H1N1, đang phải điều trị cách ly
Ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã xuất viện
Một bệnh nhân tử vong, một người nguy kịch do cúm A/H1N1 ở TPHCM