Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là về trách nhiệm và quản lý của Nhà nước đối với đất đai. Đa số các ý kiến đều thống nhất với nội dung “chủ sở hữu đất đai là toàn dân”, tuy nhiên đề nghị phải phân biệt rạch ròi về quyền và trách nhiệm giữa chủ sở hữu, đại diện của chủ sở hữu với người quản lý.

Theo nhiều ý kiến, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần phải cụ thể hóa mối quan hệ phân công giữa hệ thống cơ quan lập pháp (Quốc hội), cơ quan hành pháp (Chính phủ) trong việc khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả đất đai. Cụ thể là làm rõ việc Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân qua Quốc hội, thực hiện nhiệm vụ quản lý và sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân qua Chính phủ như đã được xác định tại Hiến pháp 1992 và dự thảo Hiến pháp 2013.

quy-hoach-t10912.jpg
Đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân (ảnh: KTĐT)

Viện sĩ, Tiến sĩ Khoa học Trương Công Phú, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, hệ thống quản lý đất đai đã được hình thành và hoàn thiện, nhưng còn có những sơ hở về pháp lý, về việc thực hiện giám sát... dẫn đến những xung đột trong quá trình thực hiện. Những xung đột chủ yếu giữa một bên là Nhà nước và doanh nghiệp lấy đất và một bên là những người bị thu hồi đất, phần lớn là nông dân vốn là chủ sở hữu thực tế đã tạo nên xung đột về lợi ích kinh tế.

“Khi Nhà nước thực hiện vai trò chủ sở hữu của toàn bộ đất đai, quan hệ về đất đai giữa Nhà nước là chủ sở hữu với người sử dụng đất trở thành trở thành quan hệ hành chính giữa giữa bộ máy Nhà nước và công dân. Lẽ ra Nhà nước là cơ quan trọng tài, giải quyết các vấn đề về quan hệ đất đai giữa các công dân thông qua Tòa án dân sự thì hiện nay đã hình thành cả một hệ thống cơ quan hành pháp để quản lý đất đai. Chủ tịch UBND tỉnh, huyện được trao quyền như là chủ sở hữu đất đai. Điều này dẫn đến hệ quả là các cơ quan chính quyền lạm dụng các mệnh lệnh hành chính và công cụ quyền lực Nhà nước để giải quyết các vấn đề về kinh tế đất đai như quyết định thu hồi, cưỡng chế…”-VS. TSKH Trương Công Phú nói.

Làm rõ trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ về đất đai

Theo GS Nguyễn Lang, Ủy viên Hội đồng tư vấn về kinh tế, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Dự thảo Luật chưa làm rõ được được mối quan hệ giữa chương XI về quyền và nghĩa vụ của người giao quyền sử dụng đất với chương II về Nhà nước và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai.

“Nội dung cơ bản của chương II phải quán triệt yêu cầu làm rõ quyền hạn và trách nhiệm, không thể nói chung chung là của Nhà nước, của Chính phủ, của Quốc hội. Qua đó xác định Quốc hội là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai và xác định trách nhiệm của Chính phủ là thực hiện sự thống nhất quản lý của Nhà nước trong việc tổ chức khai thác tài nguyên đất một cách tiết kiệm với hiệu quả cao, bảo vệ nguồn tài nguyên đất, chống hủy hoại và làm ô nhiễm nguồn tài nguyên đất. Đồng thời làm rõ đó là quyền hạn và trách nhiệm vừa đảm bảo quyền làm chủ của người nhận quyền sử dụng đất, khắc phục tình trạng lạm dụng quyền lực để thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất dẫn đến khiếu nại, tố cáo làm tăng bất đồng xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh xã hội”- GS Nguyễn Lang nói.

TS Hồ Ngọc Hải, Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam cũng cho rằng, cần quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu, nhưng trước hết phải xác định cơ quan nào là đại diện chủ sở hữu. TS Hồ Ngọc Hải dẫn chứng, Điều 57 dự thảo Hiến pháp sửa đổi quy định: “Đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật”. Nhà nước gồm 3 cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp và phải cần có một cơ quan cụ thể làm đại diện chủ sở hữu. “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, vì thế để Quốc hội là đại diện chủ sở hữu về đất đai”- TS Hồ Ngọc Hải đề nghị.

Đồng quan điểm, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, Quốc hội là đại diện sở hữu về đất đai. Quốc hội giao cho Chính phủ quản lý, phân bổ sử dụng đất đai theo định hướng và có sự giám sát của Quốc hội theo luật định. Chính phủ phân cấp cho UBND các cáp quản lý và phân bổ sử dụng đất tại địa phương theo quy định của luật.

Còn theo Luật sư Lê Đức Tiết, trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai (các Điều từ 12-27) còn trùng lặp, dễ bị lạm dụng, lợi dụng trong việc sử dụng quyền lực và khó xác định trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm luật đất đai.

Luật sư Tiết đồng ý với quan điểm chủ sở hữu đất đai là toàn dân và cũng cho rằng, đại diện chủ sở hữu đất đai phải là Quốc hội. Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền thông qua quy hoạch sử dụng đất đai do Chính phủ đệ trình, ban hành Luật Đất đai, ấn định các loại thuế về đất đai, thanh tra kiểm tra việc tuân thủ quy hoạch đất đai của các cơ quan hành pháp. Chính phủ và các UBND các địa phương là cơ quan quản lý việc thực hiện luật đất đai theo quy hoạch của Quốc hội./.