Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào cao điểm của mùa mưa bão. Sau vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng ở huyện Cần Giờ, các ngành chức năng của thành phố đã có nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường thủy do thành phố quản lý. 

Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, trong đó có hơn 5700 phương tiện đang hoạt động, công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy ở thành phố Hồ Chí Minh đang là vấn đề mà các ngành chức năng của thành phố quan tâm, nhất là sau vụ tai nạn đường thủy gây hậu quả nghiêm trọng ở huyện Cần Giờ.
Theo thống kê của ngành giao thông vận tải thành phố, hiện trên tuyến đường thủy nội địa do thành phố quản lý có 338 cảng, bến thủy đang hoạt động, trong đó có 32 bến khách ngang sông do các quận huyện quản lý. Mặc dù được thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở nhưng vẫn còn tình trạng hành khách khi đi tàu không mặc áo pháo, chủ tàu không trang bị đủ áo phao cho khách. Trong 6 tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng đã phối hợp thanh kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính trên 34.600 trường hợp, số tiền xử phạt hơn 7,3 tỷ đồng. 

Đại tá Võ Văn Vân, Trưởng Phòng Cảnh sát Đường thủy, Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Phải có qui định cụ thể để xác định rõ ranh giới địa bàn của các địa phương để nâng cao vai trò trong quản lý, công tác xử lý, xác lập các điểm đen nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông".

Đại diện ủy ban nhân dân một số quận, huyện có bến khách ngang sông cho rằng tuy công tác quản lý đã có nhiều chuyển biến  nhưng điều quan trọng là ý thức của người dân khi di chuyển bằng các phương tiện thủy vẫn còn kém, nhiều người vẫn chưa tự bảo vệ mình bằng việc mặc áo phao theo hướng dẫn. Vì vậy, các  địa phương kiến nghị: ngoài việc xử lí vi phạm các chủ phương tiện không trang bị đủ áo phao cho khách cần phải có chế tài xử phạt đối với hành khách không chấp hành quy định khi đi tàu, đò. Đồng thời, cần làm tốt hơn nữa công tác phối hợp kiểm tra giữa các quận huyện và các lực lượng khác với nhau, bởi các bến khách ngang sông thường nằm giữa các quận, huyện. Ông Nguyễn Toàn Thắng, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12 cho biết: "Nếu đơn lẻ một quận huyện cấp phép, một đơn vị kiểm tra thì sẽ ảnh hưởng việc quản lý. Việc này cần phải tăng cường phối hợp đồng bộ và khép kín giữa các đơn vị từ thành phố đến các quận, huyện".

Việc phân cấp quá nhiều cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương đối với các tuyến đường thủy cũng là một trở ngại trong công tác tuần tra, kiểm soát. Trong rất nhiều trường hợp, một cơ quan cấp phép cho các hoạt động sản xuất kinh doanh có liên quan đến đường thủy nhưng việc quản lý thì lại là trách nhiệm của một đơn vị khác.Để giải quyết các khó khăn trên, ông Ngô Quang Mãnh, Giám đốc Khu quản lý đường thủy nội địa, Sở Giao thông- Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đề nghị; "Để phù hợp với phát triển của địa phương vừa tận dụng nguồn vốn phát triển của địa phương, Bộ giao thông vận tải nên phân cấp hẳn các tuyến đường thủy quốc gia nằm trên địa bàn thành phố, nên giao cho địa phương quản lý giống như trên đường bộ thì mới tận dụng nguồn vốn địa phương".

Với lượng hành khách vận chuyển trên tuyến đường thủy nội địa gần 20 triệu lượt người một năm, vấn đề bảo đảm an toàn giao thông đang được thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các ngành chức năng triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ với quyết tâm hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và của do tai nạn giao thông đường thủy gây ra, nhất là đang vào cao điểm của mùa mưa bão./.