Là địa phương có nhiều trường học quy mô nhỏ, nhưng qua 4 năm thực hiện chủ trương sắp xếp trường lớp, huyện Phú Thiện (Gia Lai) chỉ giảm được 3 trường. Bà Nguyễn Thị Hoa- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Thiện cho biết, có nhiều lý do khiến địa phương chưa thực hiện ngay việc dồn lớp, sáp nhập trường học nhỏ lẻ: “Thật ra, tại thời điểm này thì có thể dồn ghép được một vài điểm nữa. Xây được điểm chính thì sẽ nhập về, đến năm 2025 mới giải quyết được. Nhập bộ máy thì nhập được, nhưng các điểm trường xa thì quản lý hiệu quả không tốt. Còn những trường gần thì chắc chắn thời gian tới phải sáp nhập thêm. Tới đây, chắc chắn sẽ nhập liên cấp".
Theo rà soát của Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ Gia Lai, hiện tại các huyện Phú Thiện, An Khê, Đức Cơ vẫn còn nhiều trường tiểu học và THCS quy mô rất nhỏ, chưa tới 10 lớp/ trường và dưới 20 học sinh/lớp. Tại các huyện Ia Pa, Kbang, Kông Chro, Kbang, Krông Pa, Chư Păh, Chư Pưh có tới 21 trường mầm non có quy mô dưới 5 lớp. Những trường này đều buộc phải sáp nhập vì không đủ điều kiện về số lớp theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Không chỉ thiếu tích cực trong việc dồn lớp, sáp nhập trường, chính quyền các huyện còn thiếu phối hợp với ngành giáo dục để sáp nhập trường liên cấp.
Ông Lê Duy Định - Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai cho biết: “Chúng tôi đề xuất sáp nhập 6 trường THPT có số lớp dưới 15 ở các huyện Kbang, Đức Cơ, Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa. Chúng tôi có văn bản đề nghị UBND các huyện này giới thiệu các trường THCS để sáp nhập, nhưng không thấy các huyện trả lời. Đề nghị cấp uỷ các huyện cũng phải quan tâm. Nếu không quan tâm, sẽ không giải quyết được bài toán này".
Thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục, từ 2018 tới nay, Gia Lai đã giảm 4 trung tâm giáo dục thường xuyên và giảm được 83 trường, 515 lớp, 406 điểm trường. Bên cạnh những huyện, thị xã thực hiện tốt, thì vẫn còn nhiều địa phương đạt kết quả thấp như: Thị xã Ayun Pa, các huyện Phú Thiện, Mang Yang, Đức Cơ, Ia Grai, TP. Pleiku … số lượng trường học nhỏ lẻ sáp nhập chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thực trạng này đi ngược với nỗ lực dồn lớp, nhập trường để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng giáo dục.
Tiếp tục triển khai Nghị quyết 19/NQ-TƯ về lĩnh vực giáo dục đào tạo, giai đoạn 2022-2025, tỉnh Gia Lai sẽ giảm thêm 8 đơn vị sự nghiệp, 17 trường, 97 điểm trường. Làm được điều này, tỉnh sẽ tiết kiệm được hơn 1700 biên chế giáo viên. Cùng với số biên chế mới được trung ương bổ sung, Gia Lai sẽ cơ bản giải bài toán thiếu giáo viên hiện nay.
Tại hội nghị của ngành giáo dục diễn ra giữa tháng 8/2022, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố cần nghiêm túc thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh: “Đã giao cho Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ kiểm tra chỉ ra từng điểm, từng địa phương. Với tỉnh, không còn cách nào khác, phải thực hiện ngay để đảm bảo đủ số giáo viên. Tôi yêu cầu các địa phương phải khẩn trương triển khai ngay. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra việc thực hiện này, gắn với trách nhiệm người đứng đầu"./.