Một ngày cuối tuần tháng tám, khuôn viên nhà dài ama Jenny, ở buôn Ako Dhông, thành phố Buôn Ma Thuột trở nên náo nhiệt bởi các trò chơi vận động. Từng tốp các em thiếu nhi từ 8 đến 12 tuổi cùng nhau tham gia các trò chơi như “đưa nước về buôn”, “giải mật thư bằng Tiếng Anh”, “giã gạo”, chung sức nấu bữa trưa cho cả đội với nguyên liệu là những loại rau, quả quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của người Ê Đê. Tiếng cổ vũ, tiếng giã gạo hòa chung với những nội dung trao đổi song ngữ Anh – Việt càng khiến không khí trở nên vui vẻ.

Em Tô Trần Pha Lê, 12 tuổi, đến từ thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum tham gia hoạt động phấn khởi chia sẻ: "Đây là chương trình đầu tiên mà con tham gia, trại hè, Farmtrip và chương trình trải nghiệm những chú voi con. Con rất vui và cảm thấy hiểu hơn về cuộc sống của người Ê Đê. Con mong muốn mình có thể trải nghiệm được nhiều hơn nữa để hiểu về những văn hóa của những dân tộc khác".

Không chỉ được nấu ăn và tham gia các trò chơi vận động, trong chương trình các em còn được đi tham quan buôn Ako Dhông, tìm hiểu về văn hóa và kiến trúc nhà dài, cách dệt vải thổ cẩm, thưởng thức âm nhạc và nhạc cụ dân tộc, thực hành vẽ tranh và tham gia nhiều hoạt động khác. Đây là chương trình trải nghiệm du lịch văn hóa dành cho thiếu nhi với tên gọi “Những chú voi con” do một trung tâm ngoại ngữ ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum tổ chức tại Đắk Lắk.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, giám đốc Trung tâm ngoại ngữ Sunshine, ở tỉnh Kon Tum chia sẻ: trong thời gian nghỉ hè, cùng với học văn hóa tại lớp, các học viên được tham gia du lịch trải nghiệm văn hóa tại các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Qua đó giúp các em thiếu nhi có cơ hội vừa học, vừa chơi và tự tích lũy thêm những hiểu biết về văn hóa, ngôn ngữ và từ vựng. Ở các tỉnh như Gia Lai, Kon Tum hay Đắk Lắk, những hành trình trải nghiệm văn hóa của các dân tộc tại chỗ khá thú vị và thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của các em nhỏ khi trải nghiệm.

Chị Nhung nói: "Không cần phải đi đâu xa, các con có thể trải nghiệm được tất cả những hoạt động đó và chúng tôi không phải chỉ là thực hiện bằng tiếng Việt hoặc vui chơi bình thường mà chúng tôi sử dụng Tiếng Anh, đưa vào ngôn ngữ dạy của mình để các con có thể biết được rằng là trong môi trường sống thực tế như vậy thì các con sử dụng tiếng như thế nào thì chính xác nhất".

Tại Đắk Lắk, trong dịp nghỉ hè năm nay, nhiều khu du lịch cộng đồng đã chủ động tổ chức thêm các hoạt động trải nghiệm văn hóa dành cho các đoàn khách thiếu nhi như tìm hiểu cách chế tác nhạc cụ đing năm (kèn 6 ống), đing buôt, cách nấu rượu cần, cách dệt vải, cách nấu canh cà đắng, nấu cơm lam. Vừa tìm hiểu, các em vừa được thực hành, trực tiếp tự làm. Thậm chí, có cả những tour trải nghiệm “làm nông dân” với hình thức sinh hoạt tại nhà dân, ngồi xe công nông ra vườn cà phê, xuống ao bắt cá hay học thổi sáo.

Anh Y Thiên Adrơng, Công ty du lịch Siam Tour, ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, với những lợi thế từ các buôn có truyền thống làm du lịch, đơn vị cố gắng kết nối các hoạt động mang dấu ấn bản sắc riêng đề giúp du khách, nhất là thiếu nhi có thêm nhiều trải nghiệm thú vị về văn hóa vùng đất.

Anh Y Thiên Adrơng nói: "Các bạn trẻ được trải nghiệm văn hóa nhà sàn, trang phục, thông qua các hoạt động gắn liền với yếu tố văn hóa. Và các bạn sẽ được thi làm món ăn. Những món ăn này thì cho các bạn tự do sáng tạo. Tuy nhiên, những chất liệu đó là đều là từ văn hóa Ê Đê, kết nối được yếu tố văn hóa trong đó. Mình mong muốn kết nối tất cả trong buôn làng này, mỗi buôn làng thành một hệ sinh thái rộng và đa dạng; không chỉ là cà phê, không chỉ là nhà dài, không chỉ là về dệt, mà nó còn rất nhiều thứ để khai thác trong văn hóa của mình".

Với hình thức linh hoạt vừa chơi vừa học, các chương trình trải nghiệm văn hóa dành cho thiếu nhi ở Đắk Lắk đã thu hút được nhiều thiếu nhi tham gia. Không chỉ giúp các em có thêm những hoạt động bổ ích trong thời gian nghỉ hè, các hoạt động này còn góp phần giúp các em có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa của các dân tộc tại địa phương, từ đó khôi phục và tiếp tục gìn giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc./.