Các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm ở ven biển, vùng cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sóng lớn tàn phá; sơ tán người trong các nhà yếu không bảo đảm an toàn, trên các các tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản.

vov_ptt_1_wvvq.jpg
Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng kiểm tra công tác phòng tránh bão tại 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.

Đến chiều nay, mọi thông tin về cơn bão số 12 liên tục được cập nhật, chuyển đến người dân, du khách trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thông qua hệ thống loa đài, tin nhắn bằng điện thoại.
Các địa phương thông báo cho chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhiều tàu đã di chuyển vào bờ, neo đậu tại các bến cảng.
Trước bão, thời tiết bình thường, rất dễ gây tâm lý chủ quan, nhất là những người nuôi trồng thủy sản.
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu: “Bà con rất chủ quan trong việc di dời khỏi các lồng bè, do thấy thời tiết ổn định, mấy năm trước cũng vậy. Do đó, tôi yêu cầu kiên quyết phải di dời, các địa phương chú ý, đây là điều rất quan trọng”.
Hôm nay, tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo các ngành, đơn vị hoãn tất cả các cuộc họp, tập trung ứng phó với cơn bão số 12, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, di dời hơn 130.000 người ra khỏi vùng nguy hiểm.
Sáng nay, bão số 12 đã quét qua đảo Song Tử Tây, Quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, 165 tàu cá với hơn 3.300 ngư dân vào tránh trú được an toàn.
Đại tá Trần Bình Dương, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Cơn bão số 12 đã đi qua toàn bộ quần đảo Trường Sa, thời điểm quét qua là rạng sáng ngày hôm nay, tâm của bão ở khu vực đảo. Song Tử, sức gió cấp 10, cấp 11. Hiện tại đã có thiệt hại về cây cối, hoa màu”.
Đầu giờ chiều nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn Đoàn Công tác Chính phủ đã kiểm tra tình hình đối phó với bão số 12 tại tỉnh Phú Yên, thị sát thực tế tại công trình kè Xóm Rớ, thành phố Tuy Hòa.
Do sóng đánh mạnh, kè xóm Rớ đã bị vỡ một đoạn. Làm việc với Lãnh đạo tỉnh Phú Yên tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu địa phương tập trung lực lượng, phương tiện nhanh chóng khắc phục đoạn đê kè bị vỡ.
Cũng trong chiều nay, Phó Thủ tướng đã đến kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống bão tại cảng Vũng Rô, tỉnh Phú Yên.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý, đây là cơn bão có cường độ mạnh, sau bão, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh sẽ gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng. Những ngày vừa qua, tại khu vực này đã có mưa rất to, nhiều hồ đang phải xả tràn, vì thế không được phép chủ quan, cần tập trung chỉ đạo, triển khai các phương án, biện pháp cụ thể ứng phó với bão, lũ theo tình huống xấu nhất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, từ giờ tới khi bão đổ bộ vào đất liền không còn nhiều thời gian, trước hết phải tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Cần tiếp tục rà soát tàu thuyền, phương tiện còn hoạt động trên biển, ven bờ và ở vùng cửa sông để kêu gọi vào nơi tránh trú; Tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm ở ven biển, vùng cửa sông có nguy cơ ngập sâu, sóng lớn tàn phá; sơ tán người trong các nhà yếu không bảo đảm an toàn, trên các các tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản; Huy động lực lượng quân đội, công an và các lực lượng tại chỗ kiên quyết di dời, sơ tán người dân trước khi bão đổ bộ vào.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở, công sở, trường học, trạm y tế; có phương án bảo vệ các công trình xây dựng, nhất là các công trình dạng tháp cao, cần cẩu, cột phát sóng truyền hình, ăng ten,… Đồng thời lưu ý các địa phương trong việc bảo đảm an toàn hồ đập, bảo đảm an toàn giao thông”.

Biển Nha Trang đã cắm biển cấm tắm.
Chiều tối nay, bão số 12 bắt đầu gây sóng to, gió lớn tại tỉnh Phú Yên. UBND tỉnh Phú Yên đã lên kế hoạch di dời khẩn cấp khoảng 22.000 hộ dân vùng trũng thấp, vùng xung yếu đến nơi an toàn nếu diễn biến cơn bão phức tạp hơn.
Chủ động ứng phó với bão số 12, ngư dân các địa phương ven biển tỉnh Phú Yên khẩn trương đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú. Điều đáng lo ngại là tàu cá nhiều mà các khu neo đậu thì chật hẹp, nên nhiều ngư dân đã neo buộc tàu cá ở những nơi không được phép, dễ bị va đập, hư hỏng.
Hai ngày nay, lan can dọc theo bờ kè Bạch Đằng, chạy dọc hạ lưu sông Chùa ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên trở thành những trụ neo tàu cá bất đắc dĩ.
Theo dự báo, tại tỉnh Bình Định cũng sẽ có mưa to trên diện rộng. UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động bố trí người và phương tiện ứng trực sẵn sàng ứng phó với bão lũ. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định huy động hơn 1.700 cán bộ, chiến sĩ, và hơn 70 phương tiện sẵn sàng ứng cứu người dân khi mưa lũ xảy ra.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát và lên phương án sẵn sàng sơ tán dân đến nơi an toàn khi có lệnh di dời: “Tôi đề nghị các địa phương, các cơ quan phải chủ động nắm chặt diễn biến của đợt mưa lũ này để chủ động có các phương án triển khai ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ mà chúng ta đã phê duyệt. Nhất là chú ý việc sạt lở vùng bờ biển, các sông trong đợt mưa lũ vừa rồi bị sạt lở rất nghiêm trọng mà chúng ta chưa khắc phục được. Chủ động trong việc điều hành, vận hành điều tiết các hồ chứa theo quy trình đã được phê duyệt”./.