cong_dien_ldyi.jpg
Chiều nay (3/11), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai – Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn có công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tập đoàn Điện lực Việt nam; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Trong công điện, Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
1. Thực hiện nghiêm Công điện số 1659/CĐ-TTg ngày 01/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc khử trùng theo phương châm 4 tại chỗ để đối phó với tình huống lũ lớn, ngập sâu trên diện rộng kéo dài. Tùy theo tình hình mưa lũ, bão, chủ động cho học sinh nghỉ học.
3. Kiểm tra, rà soát bảo vệ an toàn hồ đập, công trình phòng chống thiên tai. Giám sát chặt chẽ các hồ chứa, vận hành đúng quy trình; bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa đã đầy nước. Chỉ đạo các chủ hồ chứa cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để tính toán, chỉ đạo vận hành hồ an toàn.
Rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị xử lý trọng điểm xung yếu hồ đập; kiểm tra vận hành các thiết bị cảnh báo khi có tình huống xảy ra.
4. Tổ chức sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn.
5. Đảm bảo an toàn sản xuất, nuôi trồng thủy sản, lồng bè, ao nuôi, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
6. Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn.
7. Các Bộ, ngành và địa phương theo chức năng theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó với mưa lũ lớn; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xấu xảy ra.
8. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến bão, mưa lũ; tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.
9. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai và ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn./.