Tính đến 15h ngày 2/8, toàn bộ 460 tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long trong đó có 155 tàu nghỉ đêm đã vào các điểm tránh, trú bão theo đúng quy định. Hơn 1.500 khách du lịch đăng ký các tour tham quan và lưu trú trên vịnh Hạ Long cũng đã được các Công ty du lịch đã thay đổi chương trình nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.

Trước đó, từ 12 giờ, Cảng vụ thủy nội địa Quảng Ninh đã dừng cấp phép cho tàu hoạt động. Toàn bộ 173 tàu tuyến khơi và hơn một vạn tàu, thuyền công suất nhỏ đã về neo đậu an toàn tại các địa điểm quy định. 

Cũng từ 15h ngày 2/8, Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh đã ra thông báo yêu cầu các công ty kinh doanh vận chuyển khách đến các xã đảo huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô tạm ngừng cấp phép tàu chở khách ra khơi tại các tuyến cho đến khi đảm bảo yêu cầu về thời tiết. Đối với các công ty nuôi cấy ngọc trai, huyện Vân Đồn và Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh yêu cầu công ty chở công nhân cập Cảng Cái Rồng trước 14h ngày 2/8. Sau khi trả khách, yêu cầu các tàu trở về nơi neo đậu tránh trú bão theo quy định. Đặc biệt, tại khu vực xung yếu đoạn K2+850 đê Nam Hoà ở thị xã Quảng Yên có sự cố rò rỉ do ảnh hưởng của cơn bão số 2 đến nay ngành chức năng và địa phương đang khẩn trương khắc phục, gia cố, đảm bảo thi công xong trước 8h sáng 3/8. Hồ thuỷ lợi Yên Lập cũng đã được xả nước đề phòng mưa lớn trong bão ảnh hưởng tới đập. 

tranh-bao.jpg
Tỉnh Thanh Hóa kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ấn an toàn

Đại tá Vũ Hải Sản, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Là lực lượng trực tiếp tham gia cứu hộ cứu nạn, đến nay Bộ Chỉ huy đã huy động 450-500 chiến sỹ cùng với thị xã Quảng Yên chủ động đối phó với bão số 5. Cùng với đó, đơn vị đã huy động 1 xe tải, 1 xe ca, 1 tàu cứu hộ và 20 phao bè để đối phó với tình huống xấu xảy ra trong bão. Thị xã cũng đã thông báo cho trên 4.000/4.385 phương tiện đánh bắt thủy sản về nơi trú ẩn an toàn; thông báo và kêu gọi các hộ dân tại các đầm nuôi trồng thủy sản lên bờ. 

Quảng Ninh yêu cầu t oàn bộ người dân ở các khu vực nuôi trồng thủy sản, làng chài trên vịnh, khu vực đê, kè có nguy cơ sạt lở, ngập lụt phải được di dời đến nơi an toàn trước 8h ngày 3/8. Chậm nhất đến 16h ngày 3/8, tất cả các tàu, thuyền phải được neo đậu tại các điểm tránh trú bão.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần khẩn trương kiểm tra các khu vực xung yếu trên địa bàn, có phương án gia cố kịp thời; chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản; chỉ đạo vận hành các hồ chứa, có phương án xử lý đảm bảo an toàn công trình và hạ du; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng đã chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai ngay phương án phòng chống lụt bão đã xây dựng, chủ động khơi thông hệ thống thoát nước tránh gây sạt lở bùn, đá, ngập lụt xuống các khu dân cư./. 

Tuyên Quangsơ tán dân ra khỏi vùng thấp, ven sông

Để chủ động phòng chống cơn bão số 5, UBND tỉnh Tuyên Quang đã yêu cầu UBND các huyện, thành phố; Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, kiểm tra và chuẩn bị triển khai các phương án phòng chống lụt bão của địa phương xong trước 15h ngày 3/8.

Tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ đạo việc sơ tán dân ra khỏi vùng thấp, ven sông, suối, khu vực ngoài bãi sông và khu vực vùng núi có nguy cơ sạt lở đất, tổ chức các lực lượng để ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. 
Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh yêu cầu các đơn vị và chính quyền địa phương đảm bảo công tác an toàn về đê điều, tổ chức lực lượng kiểm tra, canh gác tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đảm bảo an toàn cho người và tài sản; thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi trên địa bàn, đặc biệt chú ý đến hồ chứa và vùng hạ lưu.

Tỉnh cũng chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện, thành phố quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông tại các bến đò qua sông, suối, đồng thời thông báo cho các chủ đầu tư và đơn vị có công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, các chủ phương tiện vận tải đường thủy biết thông tin để chủ động các biện pháp đảm bảo cho người, tài sản và các phương tiện khi mưa bão tới. Đồng thời, tỉnh yêu cầu Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi Tuyên Quang hướng dẫn các Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi cơ sở kiểm tra, chuẩn bị các lực lượng, vật liệu, các trang thiết bị đảm bảo an toàn, sẵn sàng ứng phó khi có thiên tai xảy ra. 

Trong thời gian vừa qua, tỉnh Tuyên Quang liên tiếp hứng chịu những trận mưa lớn gây thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, đêm 23/7 mưa lũ đã làm vỡ đập tràn xả lũ hồ thủy lợi Hoàng Tân, xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương có chiều rộng 36m, chiều cao ngưỡng tràn 3 mét, khiến hàng chục héc ta lúa và hoa màu bị vùi lấp, hàng nghìn gia súc, gia cầm bị chết; hơn 7,6 ha diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản của người dân bị tràn bờ....

Tại Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, chính quyền địa phương đã di dời hoặc có phương án tránh bão cho hàng chục nghìn người.

Hà Tĩnh triển khai nhiều biện pháp phòng lũ quét

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, tuyên truyền cho người dân chủ động phòng chống bão.

Theo Tiểu ban an toàn nghề cá trên biển, tỉnh Hà Tĩnh có 96 tàu đánh cá, câu mực với 672 lao động đã vào trú ẩn ở Quảng Ninh và Hải Phòng; 4 tàu với 40 lao động làm nghề lặn vào trú ẩn an toàn ở Bình Thuận và Đà Nẵng. Còn lại, 3.780 thuyền đánh bắt cá ven bờ từ tỉnh Nghệ An đến Hà Tĩnh với trên 13.000 lao động cũng đã vào nơi trú ẩn an toàn.

Chiều 2/8, lực lượng bộ đội, bộ đội biên phòng vùng biển cùng với chính quyền địa phương có cửa biển như Cửa Hội, (xã Xuân Hội, Nghi Xuân), Cửa Sót (xã Thạch Kim, Lộc Hà), Cửa Nhượng (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) và Cửa Khẩu (xã Kỳ Ninh, Kỳ Anh) đã tuyên truyền cho ngư dân không được ra khơi khi thời tiết xấu và giúp người dân buộc, chằng chéo tàu thuyền, hướng dẫn cho tàu, thuyền vào âu tránh bão an toàn. Bên cạnh đó, vận động người dân trong vùng thường có triều cường, điểm xung yếu chủ động di dời khi có lệnh. 
Tỉnh Hà Tĩnh có công điện khẩn yêu cầu tất cả 12 huyện thị xã và các đơn vị chủ động kế hoạch phòng chống cơn bão số 5. Tại các hồ chứa nước Sơn Kim, Kẽ Gồ, Bộc Nguyên, sông Rác và các hồ chức nước thủy điện Hố Hô, Hương Sơn, bố trí lực lượng trực 24/24 giờ, tiến hành kiểm tra và đảm bảo vận hành tốt các cống, tràn xã lũ, tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra. Tại các tuyến đê Hội Thống, đê La Giang, Cẩm Lĩnh và các kè biển đã chuẩn bị các phương tiện, vật tư tại chỗ để ứng cứu kịp thời khi có sự cố. Đối với các huyện vùng núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang cần đề phòng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; các huyện vùng trũng như Đức Thọ, Can Lộc chủ động di dời người dân đến nơi an toàn./.