Ngày 8/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 92, thay thế Nghị định 22 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo. Văn bản này có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là với hơn 20 triệu đồng bào theo đạo.

Nghị định 92 bãi bỏ các thủ tục hành chính trùng lặp hoặc bất hợp lý, gây khó khăn cho công dân, các tổ chức tôn giáo. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Huy – Vụ trưởng Vụ pháp chế thanh tra, Ban Tôn giáo Chính phủ.

ong-ton-giao.jpg
Ông Nguyễn Khắc Huy

PV: Thưa ông, vì sao tại thời điểm này, chúng ta lại tiến hành sửa đổi Nghị định 22 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo?

Ông Nguyễn Khắc Huy: Thực hiện Nghị quyết số 54 ngày 10/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc chức năng của ngành Nội vụ, chúng tôi rà soát có 25 nhóm thủ tục thuộc lĩnh vực tôn giáo, nằm trong Nghị số 22, ban hành năm 2005 nhằm hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo. Chính vì vậy, Ban Tôn giáo Chính phủ đã tham mưu cho Chính phủ tiến hành sửa đổi, ban hành Nghị định số 92 thay thế cho Nghị định 22.

Nghị định này được ban hành ngày 8/11/2012 và có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2013, nhằm mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục những bất cập, hạn chế của Nghị định 22.

PV: Thưa ông, Nghị định 92 có những điểm gì đáng lưu ý?

Ông Nguyễn Khắc Huy: Nghị định 92 có 9 điểm mới so với Nghị định 22, trong đó có 5 điểm lớn. Thứ nhất, Nghị định giảm thiểu thời hạn giải quyết thủ tục hành chính; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; bãi bỏ các thủ tục hành chính trùng lặp hoặc bất hợp lý, gây khó khăn cho công dân, các tổ chức tôn giáo khi thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của mình.

Thứ hai, trong Nghị định 92 có đề cập việc hướng dẫn sinh hoạt ở các cơ sở tín ngưỡng. Đây là một điểm rất mới so với Nghị định số 22, giúp cho việc chấn chỉnh sinh hoạt tín ngưỡng trong cộng đồng dân cư, định hướng sinh hoạt tín ngưỡng theo mục đích tuyên truyền, giáo dục, tưởng niệm, tôn vinh những người có công với dân tộc, với cộng đồng, tôn vinh những biểu tượng văn hóa của dân tộc và cũng nhằm hạn chế sự lợi dụng tự do tín ngưỡng để thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi cá nhân ảnh hưởng đến sức khỏe, trật tự xã hội.  

Hình ảnh ghi tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (Ảnh: Việt Đức)

Một điểm nữa cần quan tâm là sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Trong Nghị định này có những điểm sửa đổi, giúp cho các nhóm, các cộng đồng dân cư có nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo nhưng chưa đủ tư cách pháp nhân để thành lập một tổ chức tôn giáo. Nghị định đưa ra các quy định giúp cho họ đăng ký sinh hoạt và tạo điều kiện, bảo đảm cho các sinh hoạt tôn giáo bình thường của các nhóm, các cộng đồng dân cư được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, niềm tin của họ phải không trái với thuần phong mỹ tục và trái pháp luật.

Điểm thứ tư là sinh hoạt tôn giáo của nười nước ngoài tại Việt Nam. Trong nghị định 22 chưa đề cập nhưng trong Nghị định 92 đã bổ sung những khiếm khuyết đó. Nghị định đưa các các quy định hướng dẫn cho cộng đồng người nước ngoài có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo. Họ có thể đăng ký với UBND cấp tỉnh để được tạo điều kiện sinh hoạt trong các cơ sở hợp pháp của các tôn giáo ở Việt Nam.

Điểm thứ 5 liên quan đến công trình tín ngưỡng, tôn giáo. Trong nghị định 22 quy định trình tự, thủ tục đăng ký, cấp phép xây dựng các công trình tôn giáo. Tuy nhiên, những quy định này khá chung chung và đã được quy định trong các luật khác. Vì vậy, trong Nghị định 92, ban soạn thảo đã  đưa ra các quy định mới, trong đó phân loại các cơ sở, các công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo để giúp cho công dân, các tổ chức tôn giáo có nhu cầu xây dựng sửa chữa, có thể đề đạt với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Mặt khác, đây cũng là cơ sở để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định, phân loại để cấp phép xây dựng.

PV: Thưa ông, quá trình xây dựng Nghị định 92 có được sự tham gia của các cơ quan chức năng, nhất là các tổ chức tôn giáo không?

Ông Nguyễn Khắc Huy: Việc xây dựng dự thảo Nghị định 92 đã thực hiện theo đúng trình tự quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đã lấy ý kiến tất cả các tổ chức, cơ quan liên quan, các đối tượng chịu sự điều chỉnh là đặc biệt là dự thảo đã được đăng công khai trên cổng thông tin điện tử Chính phủ trong 60 ngày để lấy ý kiến toàn dân./.

PV: Xin cảm ơn ông!./.