Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm và tập trung thảo luận tại hội nghị Ban chấp hành Tổng Liên đoàn lần thứ 7 là việc Tổng Liên đoàn ra Nghị quyết về bữa ăn giữa ca cho người lao động. 

Các đại biểu đều cho rằng, cần đưa nội dung đảm bảo bữa ăn giữa ca vào thỏa ước lao động tập thể. Hội nghị diễn ra trong 3 ngày, từ 28 đến 30/12, tại Hà Nội.

Nghị quyết của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về Bữa ăn giữa ca của người lao động đặt mục tiêu: từ năm 2016, các công đoàn cơ sở trong khu vực doanh nghiệp khi tiến hành đối thoại hoặc thương lượng tập thể cần đưa vào nội dung bữa ăn giữa ca của người lao động với mức thấp nhất là 0,6% mức lương tối thiểu vùng do chính phủ quy định.

Theo ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch Công đoàn khu công nghiệp - Khu chế xuất thành phố Hồ Chí Minh, bữa ăn giữa ca đã được triển khai thời gian qua. 

bua_an_yzvz.jpg
Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lần thứ 7

Tuy nhiên, một số nơi làm bữa ăn cho công nhân lao động với mức giá không như cam kết hoặc chất lượng dinh dưỡng không đảm bảo, còn để xảy ra tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các cuộc ngừng việc tập thể trong thời gian qua.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, bữa ăn giữa ca vẫn được triển khai trong các doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng mang lại của thực đơn chưa phong phú. Trung bình bữa ăn giữa ca của các doanh nghiệp tại thành phố từ 15 đến 20 ngàn. 

Thời gian qua, Liên đoàn lao động thành phố đã cùng công đoàn cơ sở giám sát nhưng kết quả chưa như mong muốn. Vì vậy, Ban chấp hành Tổng Liên đoàn ban hành Nghị quyết về bữa ăn giữa ca là rất thiết thực.

Ông Nguyễn Thành Đô cho rằng, đó là cơ sở để toàn bộ hệ thống công đoàn Việt Nam, công đoàn thành phố Hồ Chí Minh , công đoàn khu công nghiệp có cơ sở chỉ đạo, định hướng cho các công đoàn cơ sở tham gia giám sát. Đặc biệt là việc giám sát từ đầu vào của nguồn thực phẩm. Kịp thời ghi nhận cũng như phản ánh, đánh giá, định kỳ hàng quý để chúng ta kiến nghị và đưa vào nội dung đối thoại đối với doanh nghiệp mà chất lượng bữa ăn giữa ca không đảm bảo. Tôi nghĩ sẽ có sự chuyển biến mạnh về chất lượng bữa ăn giữa ca sau khi nghị quyết của Tổng Liên đoàn được ban hành.

 Theo ông  Trương Văn Hiền, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang, bữa ăn giữa ca tại doanh nghiệp có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người lao động cũng như năng suất lao động đối với doanh nghiệp. Việc chăm lo bữa ăn giữa ca cho người lao động là hoạt động cụ thể, thiết thực của tổ chức công đoàn cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.  

Ông Trương Văn Hiền cho biết: “Về Bếp ăn tập thể thì hầu hết tại các doanh nghiệp hiện nay có nhà ăn chứ không nấu. Vì vậy, tôi thấy đây là một những việc công đoàn cần tham gia bảo vệ lợi ích cho người lao động, đó là tổ chức công đoàn phải cố gắng thương lượng để đưa bữa ăn ca vào thỏa ước lao động tập thể”.

Thời gian qua, bữa ăn giữa ca đã được triển khai tại nhiều doanh nghiệp, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu năng lượng để tái tạo sức lao động. Nghị quyết của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được ban hành sẽ giúp công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp, cải thiện bữa ăn giữa ca cho người lao động, đáp ứng giá trị dinh dưỡng và cường độ lao động của người lao động./.