Với một trình độ y tế kỹ thuật cao, chịu trách nhiệm chuyển giao kỹ thuật cho các tỉnh, thành phố; chịu trách nhiệm chính trong khám, chữa bệnh cho người dân ở các tỉnh phía Nam, nhưng nhiều cán bộ y tế thành phố Hồ Chí Minh không khỏi chạnh lòng khi nói về cơ sở vật chất không đảm bảo nơi mình làm việc. Đó là thực tế mà ngành y tế thành phố đang gặp phải.

vov_icpy.jpg
Tại một bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh, bệnh nhân sống trong cảnh màn trời chiếu đất.
Đã từ nhiều năm nay, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện quận Bình Thạnh đã quen với khu hành chính chật chội và nóng bức. Ngay cả căn phòng làm việc của vị Phó Giám đốc bệnh viện cũng chỉ để vừa bàn làm việc và chiếc quạt máy cũ kỹ. Khu vực này trước kia là nhà kho, giờ được cải tạo lại thành nơi làm việc tạm thời cho cán bộ và nhân viên y tế. Hình ảnh này trái ngược hoàn toàn với khung cảnh những phòng khám hoặc nơi chờ khám, khu vực xét nghiệm của bệnh viện được gắn máy lạnh, người bệnh được phục vụ nước uống miễn phí…

Bác sĩ Lê Hoàng Quí, Phó Giám đốc Bệnh viện quận Bình Thạnh nói: “Với quan điểm là lấy bệnh nhân làm trung tâm, tất cả phục vụ cho người bệnh, tất cả phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Toàn thể cán bộ, viên chức từ ban giám đốc cho đến nhân viên y tế đều nhận thức: chúng ta nhường những gì tốt nhất cho bệnh nhân.”

Dù khuôn viên chật chội, nhưng Bệnh viện quận Bình Thạnh luôn thu hút được rất đông bệnh nhân đăng kí khám chữa bệnh ban đầu với số thẻ Bảo hiểm y tế cao nhất thành phố Hồ Chí Minh. Với nguồn thu từ viện phí, bệnh viện đã tự mình xây mới hoặc cải tạo dần dần từng khu vực trong khuôn viên. Thế nhưng ít có bệnh viện công nào có thể làm được như bệnh viện này. Đa số các bệnh viện công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh đang trong tình trạng bị quá tải trầm trọng. Những bệnh viện nào có nhiều kỹ thuật y tế chuyên sâu thì càng bị quá tải; kèm theo đó là cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng. Chẳng hạn như tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh, những dãy hành lang được tận dụng để mở rộng thành phòng làm việc của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.

Khi Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đến nơi này, ông không khỏi bức xúc vì cơ sở quá xập xệ và xuống cấp, không tương xứng với một bệnh viện chuyển giao kỹ thuật cao cho các tỉnh, thành phía Nam.

Ngay cả Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận đầu tư cho cơ sở y tế là còn rất khiêm tốn. Hầu hết các bệnh viện công lập lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh đều xây dựng trước giải phóng - 1975. 40 năm trôi qua,vẫn chưa có bệnh viện tuyến thành phố  nào được xây dựng lại hoàn toàn mà chỉ là cải tạo, cơi nới.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Chúng tôi luôn sống trong cảnh hồi hộp lo sợ vì vấn đề quá tải và chất lượng dịch vụ y tế. Với diện tích chỉ 17m2/giường, chúng tôi phải cố gắng tận dụng hạ tầng cơ sở, đổi mới phong cách phục vụ, nâng cao kỹ thuật điều trị. Không chỉ bệnh nhân khổ mà đội ngũ y tế cũng khổ. Phòng cấp cứu thì nóng hầm hập, dù đã cố gắng cải tạo nhưng vẫn còn rất khó khăn”.

Nơi làm việc quá chật trộ của nhân viên y tế Bệnh viện quận Bình Thạnh.

Tại Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, nơi thực hiện nhiều kỹ thuật cao về điều trị ung thư, từ năm 1992 đến nay, trong khuôn viên bệnh viện chưa có một công trình mới nào được xây dựng. Với lượng bệnh nhân mỗi năm tăng thêm 10%. Bệnh viện Ung bướu là nơi có mật độ quá tải cao nhất thành phố.

Không có giường nằm, người bệnh điều trị nội trú phải nằm ngủ ngoài hành lang, trên ghế đá từ tháng này sang năm kia. Thậm chí, không có đủ giường, bệnh nhân dù đủ điều kiện nhập viện nội trú nhưng bệnh viện cũng phải buộc cho điều trị ngoại trú. Tình trạng này, theo Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị và sức khỏe của bệnh nhân: “Mật độ cao như thế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến môi trường, vấn đề điều trị chuyên môn. Khi bệnh nhân chờ đợi thì cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, đến giai đoạn bệnh vì ít nhiều bướu sẽ ngày càng lớn lên. Mặc dù bệnh viện đã có chính sách ưu tiên điều trị bệnh nhân nặng, cấp cứu hay bệnh lí ác tính thì điều trị trước”.

Trong chiếc áo chật chội và cũ kĩ ấy, hàng chục năm qua, hơn 90 bệnh viện công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh đang phải xoay sở để vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh vừa phải làm hài lòng người bệnh, cố gắng giảm tải nhưng cũng phải cân đối thu chi để tiến đến tự trả lương cho nhân viên.

Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho rằng đã đến lúc các bệnh viện cần phải được đầu tư đúng mức: “Người dân mong đợi về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Nhưng chất lượng khám chữa bệnh gắn liền với cơ sở vật chất y tế. Cứ bảo làm hài lòng người bệnh nhưng cơ sở vật chất vẫn vậy thì bình cũ mà rượu cũng cũ thì không có cách nào giải quyết”.

Hiện nay, hơn 40% số bệnh nhân đến khám, điều trị tại các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh là từ các tỉnh, thành phía Nam. Chính vì vậy, đầu tư cho bệnh viện tại thành phố Hồ Chí Minh cũng chính là góp phần đầu tư, chăm sóc sức khỏe cho người dân ở khu vực phía Nam./.