Gần đây, Công ty TNHH Tuyết Sơn - Sơn La (Công ty Tuyết Sơn) lại tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận với nội dung một doanh nghiệp hết lòng vì người khuyết tật, có hẳn Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH tặng, nhưng lại không được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương.
Thậm chí, đã có tờ báo đăng bài ca ngợi doanh nghiệp này và đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Sơn La “cần xem xét nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp” là cho doanh nghiệp được thuê lô đất ở huyện Mộc Châu có trị giá hàng chục tỷ đồng (!?).
Vậy thực hư câu chuyện bằng khen của Bộ trưởng và hoạt động của doanh nghiệp này là như thế nào?
Biên bản kiểm tra của UBND huyện Mộc Châu, ngày 26/6/2017, nêu 8 sai phạm của Công ty Tuyết Sơn. |
Dấu hỏi về Bằng khen của Bộ trưởng LĐ-TB&XH?
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH mang số 420/QĐ-LĐTBXH, do Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền ký tên đóng dấu ngày 4/4/2016, có nội dung: Bộ LĐ-TB&XH tặng bằng khen cho Công ty Tuyết Sơn vì “đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam giai đoạn 2013 – 2015”.
Trớ trêu là Công ty Tuyết Sơn được Sở KH&ĐT tỉnh Sơn La cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 5500519931, ngày 8/4/2015; được Sở LĐ-TB-XH tỉnh Sơn La cấp Giấy chứng nhận hoạt động dạy nghề số 03/CNĐKHĐ-LĐTBXH ngày 21/5/2015. Có nghĩa là Công ty Tuyết Sơn không thể có thành tích xuất sắc trong công tác bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam trong cả giai đoạn 2013 – 2015.
Vậy vì sao Công ty Tuyết Sơn lại có tấm Bằng khen này?
Báo cáo thành tích tập thể mà Công ty Tuyết Sơn gửi lên Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Sơn La để xác nhận, làm Tờ trình gửi Bộ LĐ-TB&XH, nêu những thành tích như sau: “Từ năm 2013 đến năm 2014, khi Công ty TNHH Tuyết Sơn – Sơn La còn đang hoạt động với hình thức là một cơ sở, Công ty mở lớp dạy nghề và đã tiếp nhận 150 người khuyết tật, chất độc da cam đến học nghề với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người/tháng, gồm tiền công dạy nghề, tiền ăn, phí sinh hoạt, quần áo, thiết bị dạy nghề, thuê nhà xưởng, khám chữa bệnh.
Tổng mức hỗ trợ cho công tác dạy nghề trong năm 2013-2014 là 5,4 tỷ đồng. Công ty đã tạo việc làm cho tổng số gần 100 đối tượng người khuyết tật được ổn định công việc và được hưởng mức lương tối thiểu là 4 triệu đồng/tháng.
Năm 2015, Công ty được thành lập để mở rộng quy mô tuyển sinh và đã tiếp nhận dạy nghề cho 52 người khuyết tật với mức hỗ trợ 3,5 triệu đồng/người/tháng. Tổng mức hỗ trợ cho công tác dạy nghề là 1,92 tỷ đồng.
Vì mô hình của Công ty rất hiệu quả nên Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Sơn La đưa vào làm điểm của tỉnh.
Trong phần kiến nghị, Công ty đề nghị UBND tỉnh Sơn La được thuê 5.000m2 đất trở lên để Công ty đầu tư thêm máy móc, thiết bị công cụ hỗ trợ dạy nghề, mở rộng sản xuất; đề nghị các cấp, các ngành hỗ trợ kinh phí dạy nghề, hỗ trợ vay vốn để công ty phát triển”.
Xác minh tại huyện Mộc Châu, ông Nguyễn Quốc Hòa, Trưởng phòng LĐ-TB&XH khẳng định: Trước khi thành lập, Công ty Tuyết Sơn không hề hoạt động dưới hình thức một cơ sở sản xuất nào trên địa bàn huyện Mộc Châu. Công ty càng không thể có chuyện chỉ là một cơ sở, chưa có tư cách pháp nhân, mà lại có quy mô mở lớp dạy nghề cho 150 người khuyết tật trong 2 năm 2013 -2014 với tổng mức hỗ trợ là 5,4 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho gần 100 người khuyết tật với mức lương tối thiểu là 4 triệu đồng/người/tháng.
Báo cáo của Trung tâm GDNN - GDTX Mộc Châu, ngày 7/11/2017, khẳng định Hợp đồng liên kết đào tạo dạy nghề cho người khuyết tật giữa Trung tâm với Công ty Tuyết Sơn sau 2 năm ký kết đã không hề được triển khai thực hiện |
Khi nhóm phóng viên tìm hiểu về tấm "Bằng khen của Bộ trưởng", ông Đoàn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Tuyết Sơn tỏ ra khó chịu, nói: “Lên mà hỏi ông Thơm!..”. Ông Thơm mà ông Tuấn nói ở đây là Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi Sơn La, nay đã nghỉ chế độ.
Làm việc với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Sơn La, chúng tôi được cung cấp toàn bộ hồ sơ về vụ cấp bằng khen này.
Hồ sơ cho thấy Hội Bảo trợ không hề có văn bản thẩm định thành tích của Công ty Tuyết Sơn trong Báo cáo thành tích tập thể của Công ty này. Giải thích điều này, ông Cao Xuân Thơm, nguyên Chủ tịch Hội cho biết, ông tin vào doanh nghiệp nên ký xác nhận vào Bản báo cáo thành tích tập thể của công ty. Ông Thơm cũng không chứng minh được Công ty Tuyết Sơn khi đang tồn tại dưới hình thức một cơ sở, chưa có tính pháp lý, lại có thành tích như trong Báo cáo thành tích của công ty này.
Như vậy, việc Công ty Tuyết Sơn được Bộ trưởng LĐ-TB&XH tặng Bằng khen vì “đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam giai đoạn 2013 – 2015” là không xứng đáng vì dựa trên Báo cáo thành tích tập thể không đúng sự thật và không được thẩm định. Trách nhiệm chính của sự việc này thuộc về Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Sơn La.
Dấu hỏi về chuyện “10 không” ở Công ty Tuyết Sơn?
Ngày 26/6/2017, thực hiện Kế hoạch kiểm tra định kỳ việc thực hiện các qui định của pháp luật trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp trên địa bàn của UBND huyện Mộc Châu, Đoàn kiểm tra đã lập Biên bản kiểm tra số 20/BB-ĐKT đối với hoạt động của Công ty Tuyết Sơn. Biên bản có chữ ký của ông Trần Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Tuyết Sơn.
Đáng chú ý là nội dung biên bản đã chỉ ra Công ty Tuyết Sơn có tới 8 nội dung vi phạm pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội.
Đó là: (1) Chưa thực hiện các loại báo cáo định kỳ đối với cơ quan quản lý lao động của huyện Mộc Châu và tỉnh Sơn La theo qui định, bao gồm: Chưa có Báo cáo tình hình lao động, tai nạn, an toàn vệ sinh lao động; Chưa đăng ký thang lương, bảng lương và quy chế trả lương, thưởng đối với người khuyết tật.
(2) Chưa ký hợp đồng lao động với người khuyết tật.
(3) Chưa lập sổ quản lý lao động.
(4) Chưa có Bảng chi lương cho người khuyết tật.
(5) Chưa có nội quy lao động qui định thời giờ làm việc và nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất đối với lao động là người khuyết tật.
(6) Chưa có Thỏa ước lao động tập thể.
(7) Chưa thực hiện cả 6 yêu cầu về công tác an toàn vệ sinh lao động theo qui định, trong đó có công tác kiểm tra, khám sức khỏe định kỳ cho người khuyết tật.
(8) Chưa đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho người khuyết tật.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, Trưởng đoàn kiểm tra cho biết: Đợt kiểm tra định kỳ mà Công ty còn có tới 8 vi phạm như thế, chứng tỏ cung cách quản lý cũng như ý thức chấp hành các qui định pháp luật rất lỏng lẻo.
Công ty không hề có báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý về lao động theo qui định, công ty còn không ký hợp đồng lao động với người khuyết tật, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho họ, bà Hoa cho biết thêm.
Ngoài “8 không” vừa nêu, theo các văn bản của Cục Thuế và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La, Công ty Tuyết Sơn còn có thêm “2 không” đáng nói nữa.
Đó là chưa nộp một đồng thuế nào cho Nhà nước sau gần 2 năm 7 tháng hoạt động (trừ 3 triệu đồng tiền thuế môn bài/năm); và sau hơn 2 năm hoạt động, vẫn chưa được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La có Quyết định công nhận cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật. Có thể nói, hiếm thấy một công ty nào lại có tới “10 không” như Công ty Tuyết Sơn.
Cũng cần nói thêm, sau kiểm tra, Công ty Tuyết Sơn đã có sự khắc phục, trong đó, đã ký hợp đồng lao động với người khuyết tật. Nhờ thế, ngày 8/8/2017, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La đã có Quyết định công nhận Công ty Tuyết Sơn sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật. Nhưng cũng từ Quyết định này, mới lộ ra Công ty Tuyết Sơn chỉ có 11 người, trong đó có 7 lao động là người khuyết tật, chứ không phải có 150 người khuyết tật như trong báo cáo thành tích của công ty.
Bằng khen của Bộ LĐTB&XH tặng Công ty Tuyết Sơn. |
Thực tế cho thấy, Công ty Tuyết Sơn đang khoác một cái áo quá rộng so với hình hài của mình. Bởi công ty đang hoạt động như một tổ hợp tác sản xuất, quản lý theo kiểu gia đình.
Dù công ty được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sơn La cấp Giấy chứng nhận hoạt động dạy nghề, nhưng theo lời ông Trần Thanh Sơn, thành viên HĐQT Công ty Tuyết Sơn, việc đào tạo nghề cho người khuyết tật từ trước đến nay của Công ty hoàn toàn theo hình thức truyền miệng, không có giáo trình, không có giáo viên, và dĩ nhiên cũng không cấp chứng chỉ.
Hoạt động đáng quan tâm nhất về dạy nghề cho người khuyết tật của Công ty Tuyết Sơn là sau khi thành lập đã ký Hợp đồng liên kết phối hợp dạy nghề cho người khuyết tật với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) của huyện Mộc Châu. Hợp đồng đào tạo này có qui mô tuyển sinh tới 160 học viên/năm.
Công ty chỉ có vài người làm việc. |
Nhờ hợp đồng này, Công ty Tuyết Sơn đã được UBND huyện Mộc Châu tạo điều kiện cho mượn cơ sở nhà đất của Trung tâm GDNN – GDTX, sau khi Trung tâm này được chuyển đến địa điểm làm việc mới.
Hợp đồng được ký vào ngày 5/6/2015, thời gian năm học được tính từ 1/9/2015. Tuy nhiên, Hợp đồng liên kết này cũng lại là “Đầu voi, đuôi chuột”.
Theo báo cáo số 33 – BC/TT ngày 7/11/2017 của Trung tâm GDNN – GDTX, kết quả thực hiện Hợp đồng đã ký giữa hai bên chỉ là con số không. Bởi từ năm 2015 đến nay, hai bên chưa hề có sự phối hợp đào tạo nào và Trung tâm cũng chưa cấp một chứng chỉ nghề nghiệp nào cho người khuyết tật.
Công ty Tuyết Sơn cũng không có kế hoạch, báo cáo, danh sách học viên, danh sách giáo viên tham gia giảng dạy, danh sách học viên có hộ khẩu thường trú tại huyện Mộc Châu đăng ký ở nội trú gửi tới Trung tâm để Trung tâm thực hiện công tác phối hợp quản lý theo đúng nội dung hợp đồng đã ký kết.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Mộc Châu nhận xét: “Việc Công ty Tuyết Sơn đã ký hợp đồng rồi không phối hợp với chúng tôi theo Hợp đồng đã ký là một vấn đề. Vấn đề đáng quan tâm hơn là công ty mượn đất rồi đến hạn không trả. Dù huyện đã có nhiều văn bản yêu cầu và chỉ đạo chúng tôi thực hiện việc kiểm tra, tiếp nhận cơ sở vật chất đã tạm giao cho Công ty Tuyết Sơn mượn, nhưng công ty lấy nhiều lý do để không hợp tác.”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi được UBND huyện Mộc Châu cho mượn khu nhà đất có diện tích hơn 5.000 m2 để đào tạo nghề cho người khuyết tật thì Công ty Tuyết Sơn lấy nhiều lý do để trì hoãn dù đã hết thời hạn mượn và UBND huyện Mộc Châu đã phải nhiều lần có văn bản yêu cầu, thậm chí gia hạn cho công ty. Nhưng đến nay, Công ty vẫn chưa bàn giao toàn bộ khu nhà đất đã mượn cho UBND huyện Mộc Châu. Cùng với việc mượn nhà đất, Công ty Tuyết Sơn đề nghị được thuê cả hơn 5.000 m2 khu đất đã mượn, được coi là “khu đất vàng” ở huyện Mộc Châu có giá trị hàng chục tỷ đồng này.
Lời kết
Người khuyết tật là nhóm người yếu thế trong xã hội được Đảng và Nhà nước có chính sách quan tâm, pháp luật có qui định bảo vệ. Do đó, để bảo vệ người khuyết tật, điều quan trọng là doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật phải thực hiện nghiêm chính sách của Nhà nước và qui định của pháp luật về người khuyết tật. Và chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới xứng đáng được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Khen thưởng doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc bảo trợ người khuyết tật là một việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, khơi dậy và làm lan tỏa lòng nhân ái trong xã hội. Nhưng ý nghĩa đó sẽ không còn, thậm chí phản tác dụng, gây hệ lụy xấu, khi việc tặng Bằng khen, lại là Bằng khen cấp Bộ trưởng, được thực hiện không đúng thực chất. Vì thế, cần làm rõ trách nhiệm trong vụ tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đối với Công ty Tuyết Sơn về những thành tích không có thật của công ty này.
Việc Công ty Tuyết Sơn đang sử dụng lao động là người khuyết tật và tạo việc làm cho họ dù ít hay nhiều thì cũng rất đáng khuyến khích. Nhưng với những vi phạm pháp luật trong hoạt động của Công ty Tuyết Sơn kéo dài suốt từ năm 2015 đến nay mà không được chấn chỉnh kịp thời, cho thấy, cơ quan quản lý Nhà nước chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình.
Để bảo vệ người khuyết tật đang lao động và học nghề tại Công ty Tuyết Sơn, đồng thời giúp cho Công ty Tuyết Sơn xứng đáng hơn với doanh nghiệp được công nhận sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, đã đến lúc cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Sơn La cần vào cuộc kiểm tra và làm rõ tính đúng đắn trong toàn bộ hoạt động của công ty này./.