Chiều nay (16/4), tại Hà Nội, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội có buổi làm việc với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, giám sát tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2012. Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai chủ trì buổi làm việc.
Báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, tính đến cuối năm 2012, cả nước có trên 10.500 người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Tổng số thu ước đạt 97.799 tỷ đồng, số chi trên 99.949 tỷ đồng. Tổng số dư các quỹ bảo hiểm xã hội đến cuối năm 2012 là 223.412 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2011.
Tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đồng tình với những kết quả đạt được trong công tác quản lý và sử dụng quỹ BHXH. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập trong thực thi chính sách BXH từ trung ương tới địa phương. Đó là nguồn thu quỹ bảo hiểm lớn, nhưng cơ quan quản lý không có cách đầu tư hiệu quả nhằm tăng nguồn thu mà chỉ đơn thuần gửi tiết kiệm ngân hàng. Việc kiểm soát quỹ BHXH cũng chưa hiệu quả, đặc biệt là khó kiểm soát được số lao động thực tế trong doanh nghiệp khiến nguy cơ xảy ra tình trạng chiếm dụng quỹ bảo hiểm xã hội ngày càng tăng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Trong khi đó số vụ vi phạm pháp luật về BHXH có dấu hiệu gia tăng. Kết quả thanh tra tại 7 tỉnh, thành phố, thanh tra lao động đã phát hiện trên 1.700 trường hợp vi phạm pháp luật về BHXH.
Điều đáng nói là chỉ có một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP HCM tiến hành khởi kiện ra tòa đối với đơn vị, cá nhân vi phạm pháp luật về lĩnh vực này.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ thưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định: Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế này là việc nắm bắt, quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; việc triển khai chính sách ở địa phương; tính hiệu quả của hoạt động đầu tư quỹ… chưa được khắc phục và điều chỉnh. Việc thiếu quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và vào cuộc của các cấp chính quyền và toàn xã hội đối với công tác BHXH cũng dẫn tới những khó khăn trong việc giải quyết những vấn đề tồn tại, khắc phục những hạn chế trong quản lý và tổ chức thực hiện chính sách BHXH.