Trường mầm non 1/5 (xã Ia Yok, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) phải đóng cửa vì dịch tay chân miệng.

Trong những ngày đầu tháng 10, trường có số ca mắc tay chân miệng liên tục tăng. Đến ngày 12/10, trường đã có tới 34 trẻ bị mắc bệnh.

Trước tình hình đó, chính quyền huyện Ia Grai ra quyết định đóng cửa trường trong 10 ngày (kể từ ngày 12/10) để tiến hành các giải pháp xử lý mầm bệnh, ngăn chặn bệnh lây lan trong cộng đồng.

vov_1_azfs.jpg
Trẻ nhập viện vì bệnh tay chân miệng ở Gia Lai ngày càng đông

Cô giáo Trần Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cùng với tuyên truyền nâng cao ý thức phụ huynh, trong thời gian đóng cửa, nhà trường tập trung làm công tác tổng dọn vệ sinh.

"Chúng tôi báo cáo với các cơ quan chuyên môn, chức năng liên quan để làm công tác vệ sinh, đồ dùng cá nhân cho trẻ, vệ sinh trường lớp. Mặc dù học sinh nghỉ, nhưng giáo viên vẫn 100% lên trường làm công tác vệ sinh hàng ngày, để làm tốt công tác phòng chống dịch tay chân miệng cho trẻ", cô Nhàn nói.

Huyện biên giới Ia Grai là một trong số những địa bàn có số ca mắc bệnh tay chân miệng nhiều nhất tỉnh Gia Lai. Hiện nay, bệnh đang diễn biến khá phức tạp.

Chỉ tính riêng nửa đầu tháng tháng 10 này, huyện có hơn 40 ca mắc mới. Tính từ đầu năm đến nay, chính quyền huyện phải ra quyết định đóng cửa 2 trường mầm non để xử lý dịch tay chân miệng.

Ông Trương Thái Vinh, Trưởng phòng Y tế huyện Ia Grai cho biết, tại những nơi có bệnh, hệ thống y tế đang tích cực triển khai các giải pháp khử khuẩn, diệt mầm bệnh.

"Trong thời gian đóng cửa các trường học, chúng tôi theo dõi giám sát dịch bệnh hàng ngày, báo cáo cụ thể. Chúng tôi cho các cán bộ chuyên môn đi vệ sinh môi trường, khử khuẩn bằng cloramin B tại trường mầm non. Các cháu thì đi khám tại các cơ sở y tế, sau đó về điều trị, theo dõi tại nhà. Trong thời gian đó, y tế cơ sở cũng thường xuyên giám sát, theo dõi các cháu về diễn biến tình hình bệnh”, ông Vinh cho hay.

Xử lý mầm bệnh tại trường mầm non đã đóng cửa vì bệnh tay chân miệng

Theo thống kê của ngành y tế tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn ghi nhận gần 300 ca mắc bệnh chân tay miệng. 17/17 huyện, thị xã thành phố của tỉnh đều đã ghi nhận có ca bệnh. Điều đáng nói, chỉ nửa đầu tháng 10, đã có đến 80 ca mắc mới.

Bác sỹ Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, bệnh đang có nguy cơ cao bùng phát tại một số địa bàn. Số lượng trẻ nhập viện ngày càng đông.

"Những tuần đầu của tháng 10 năm nay, số lượng ca bệnh tay chân miệng tại Gia Lai có chiều hướng tăng đột biến. Qua số liệu thống kê, cảnh báo cho biết được khả năng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch tay chân miệng cuối năm 2018 tại Gia Lai, có nguy cơ phát thành dịch lớn nếu không chủ động phòng chống dịch triệt để”, ông Tuấn cho biết.

Ngành y tế tỉnh Gia Lai nhận định, việc phòng chống dịch bệnh tay chân miệng đang hết sức cấp bách, bởi khả năng lây lan ra cộng đồng rất cao. Do đó, các hoạt động kiểm soát bệnh tay chân miệng tại cộng đồng, nhất là các trường mầm non cần được tăng cường. Đồng thời, công tác tuyên truyền về dịch tay chân miệng cũng đang được ngành y tế địa phương tích cực triển khai./.