Nhiều người đã đi nước ngoài từ lâu hoặc đã nằm liệt giường, không đủ sức khỏe để khám, chữa bệnh nhưng vẫn có tên trong danh sách đăng ký hành nghề, vẫn cho thuê mướn chứng chỉ hành nghề. Đây là một thực tế được nêu ra tại Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế, diễn ra tại TP HCM sáng 29/7.
Việc cấp Chứng chỉ hành nghề cho một bác sĩ không có thời hạn xác định. Ảnh minh họa: Báo Dân sinh |
Theo đại diện Sở Y tế TP HCM, Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành quy định việc cấp Chứng chỉ hành nghề cho một bác sĩ không có thời hạn xác định. Do vậy đã xảy ra tình trạng người được cấp chứng chỉ hành nghề không còn đủ khả năng, điều kiện để hành nghề nhưng vẫn cho thuê, mướn lại chứng chỉ hành nghề.
Qua kiểm tra cho thấy, nhiều trường hợp đã ra nước ngoài từ lâu nhưng vẫn có tên đăng ký hành nghề y tại Việt Nam. Hay có những trường hợp dù mắc bệnh nặng, không thể trực tiếp khám chữa bệnh, thậm chí là nằm liệt giường nhưng vẫn tiếp tục có tên trong danh sách đăng ký hoạt động khám chữa bệnh.
Do đó, các đại biểu cho rằng nên sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn cho từng chức danh tương ứng. Ví dụ với bác sĩ, có thể thời hạn của chứng chỉ hành nghề là 5 năm; điều dưỡng, hộ sinh có thể là 3 năm và được xem xét gia hạn khi vượt qua các kỳ sát hạch sau đó.
Còn theo TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, việc cấp chứng chỉ hành nghề không xác định thời hạn cho nhân viên y tế khiến cho người hành nghề y không có ý thức nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Trong khi thực tế đòi hỏi bác sĩ phải luôn cập nhật các kỹ thuật mới, các tiến bộ của y học để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh.
TS. Quang cũng cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay mới chỉ được tiến hành trên giấy tờ mà không qua một kỳ sát hạch cụ thể nào. Điều này vô hình chung không thể đánh giá đúng năng lực thực chất của người hành nghề y. Vậy nên cần có một kỳ thi do Hội đồng quốc gia trực tiếp sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ này có giá trị trên toàn quốc.
Ngoài ra, Luật cũng cần có quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với những người không hành nghề trong 2 năm liên tiếp, hoặc không tham gia các chương trình đào tạo liên tục hay có sai sót chuyên môn nghiêm trọng.
“Việc đào tạo người hành nghề y tương đối thoải mái, y sĩ 3 năm cũng ra khám chữa bệnh, trong khi đó bác sĩ còn được đào tạo cả 6 năm còn chưa dám hành nghề. Sắp tới đây cần tính tới việc phải thi lý thuyết và thực hành sau khi tốt nghiệp. Người nào vượt qua được kỳ thi ấy sẽ khám chữa bệnh tốt hơn vì nâng cao được khả năng thực hành y khoa”, TS. Nguyễn Huy Quang đề xuất./.
Tăng giá dịch vụ y tế: Chất lượng khám chữa bệnh có song hành?