Trước tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có chiều hướng gia tăng báo động ở các địa phương, nhất là khu vực các tỉnh, thành phố phía Nam, ngày 7/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Chỉ thị về tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nguy ngại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng, uy tín của ngành chăn nuôi Việt Nam; Thông tin kịp thời cho dư luận biết về tình hình và danh tính của các đối tượng vi phạm. Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là hành vi phi đạo đức phải bị cộng đồng, dư luận tố giác, tẩy chay. 

Đồng thời tổ chức các đoàn công tác tiến hành thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chủ yếu là Salbutamol tại các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, đặc biệt là các cơ sở gia công thức ăn chăn nuôi, tự phối trộn các loại premix, thuốc thú y, thức ăn bổ sung.

Tại các cơ sở, trang trại chăn nuôi, tiến hành kiểm tra thức ăn chăn nuôi, nhất là nước tiểu vật nuôi ở giai đoạn vỗ béo, xuất bán đối với lợn thịt, bò thịt. Đối với lò mổ, kiểm tra các mẫu thịt, gan thận, nhất là nước tiểu của lợn, bò trước khi đưa vào giết mổ. Tại các chợ, kiểm tra các mẫu thịt, gan, thận của lợn, bò.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo các quy định của pháp luật, trong đó có Điều 155 Bộ Luật hình sự quy định đối với hành vi sản xuất kinh doanh, sử dụng hàng cấm gây hậu quả nghiêm trọng. Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ ngày 25 hàng tháng tổng hợp, báo cáo tình hình kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn cho Cục Chăn nuôi.

Trước đó, Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã gửi công văn đề nghị Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai phối hợp kiểm soát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Hiện Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với lực lượng công an, Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện Thống  Nhất, Định Quán và Vĩnh Cửu để truy nguồn gốc những lô hàng này.  Tuy nhiên, việc xử phạt các trường hợp này thì rất khó.  

Vì hiện nay, theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy trình kiểm dịch hoàn toàn không có nói về vấn đề chất cấm mà chỉ nói về phòng chống dịch bệnh.

Theo quy định trong thời gian 1 hoặc 2 ngày làm việc, khi chủ hàng có đầy đủ giấy tờ như: giấy chứng nhận tiêm phòng, giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh…kiểm dịch viên phải có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận vận chuyển lô hàng đó theo yêu cầu của khách hàng./.