Hiện nay, mỗi năm ước tính Việt Nam có 126.000 ca mới mắc ung thư và trong số này mỗinăm chúng ta có khoảng 94.000 ca tử vong. Sở dĩ ca tử vong vì ung thư ở Việt Nam còn khá cao là do rất nhiều bệnh nhân đến khám muộn nên hiệu quả điều trị còn hạn chế.
Tầm soát ung thư không nằm trong danh mục khám chữa bệnh được BHYT chi trả. |
Vì sao nhiều bệnh nhân ung thư phát hiện ở giai đoạn muộn? Trả lời câu hỏi này, Bác sĩ Nguyễn Tiến Quang - Trưởng khoa điều trị A - Bệnh viện K trung ương cho biết, có rất nhiều lý do và 1 trong những lý do là vấn đề sàng lọc phát hiện sớm ung thư chưa được chú trọng thấu đáo.
“Với góc độ là bác sĩ điều trị tôi cho rằng, việc sàng lọc phát hiện sớm đóng vai trò hết sức quan trọng. Nhưng để làm tốt điều này, trước hết là người bệnh phải tự chủ động, và nếu BHYT chi trả cho các chương trình sàng lọc thì rất tốt, hỗ trợ cho người bệnh phát hiện sớm ung thư để điều trị kịp thời” – BS Quang nói.
Bệnh nhân Trương Thị Lan, bị K vú giai đoạn 1B đang điều trị tại Bệnh viện K cho biết: “Nhiều người, trong đó có gia đình tôi, kinh tế còn khó khăn dù rất muốn đi khám nhưng không có tiền. Nếu được BHYT hỗ trợ sớm thì sẽ bớt đi người bị mắc ung thư. Tôi tin rằng tỷ lệ bị ung thư sẽ giảm rất nhiều vì phát hiện sớm điều trị sẽ rất hiệu quả”.
Người nhà bệnh nhân Phạm Thi Thu, ở Trần Quý Cáp (Hà Nội) cũng mong muốn cơ quan bảo hiểm có sự can thiệp để hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế có quyền lợi khi phát hiện sớm, còn như hiện nay thì người dân rất thiệt thòi.
Chia sẻ những băn khoăn này, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho rằng, để điều trị bệnh ung thư hiệu quả thì việc khám sàng lọc là rất quan trọng bởi theo Bệnh viện K trung ương khoảng 70% số người đến bệnh viện đã ở giai đoạn muộn và khi đã ở giai đoạn muộn thì chi phí điều trị sẽ rất tốn kém và hiệu quả điều trị cũng rất thấp.
Tuy nhiên, Luật sửa đổi bổ sung 1 số điều của Luật BHYT năm 2014 quy định quyền lợi tham gia của người dân là được khám chữa bệnh và phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con. Luật cũng chưa quy định là quỹ BHYT chi trả cho chi phí dự phòng hoặc là khám sàng lọc một số bệnh.
“Nhiều loại bệnh ung thư điều trị khỏi được tuy nhiên phải phát hiện sớm. Do đó về phía Bộ Y tế, thời gian tới khi sửa luật Bảo hiểm y tế sẽ có báo cáo nội dung này và sẽ kiến nghị đưa vào phạm vi thanh toán quỹ BHYT bao gồm dự phòng, sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh như ung thư vú, cổ tử cung và 1 số bệnh nếu tầm soát sớm sẽ được chữa trị khỏi rất cao” – ông Toàn cho biết.
Cũng theo ông Toàn, thế giới cũng đã có nhiều nước chi trả phí này từ qũy BHYT nhưng với điều kiện quỹ BHYT phải đảm bảo đủ, tức là mức đóng phải cao và ở nước ta hiện nay mức đóng đang là 4,5%/ lương cơ sở, do đó quỹ BHYT chưa đủ để chi trả cho khám sàng lọc. Sau này, các đơn vị liên quan sẽ đề nghị tính toán giới hạn chi phí với các dịch vụ cơ bản còn các kỹ thuật cao người bệnh sẽ cùng chi trả và dành quỹ BHYT chi trả cho khám sàng lọc vì đó là 1 chi phí hiệu quả.
Là cơ quan thực hiện các chính sách về BHYT, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thời gian qua, quỹ BHYT chi trả cho việc điều trị ung thư khá tốn kém, lên đến hàng nghìn tỷ mỗi năm và có những bệnh nhân điều trị chỉ trong khoảng 10 tháng hoặc là 1 năm cũng đã chi tiêu đến hàng tỷ đồng Quỹ BHYT (ung thư máu, các chi phí rất là tốn kém).
Ông Lê Văn Phúc- Phó trưởng ban phụ trách Chính sách BHYT - Bảo Hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Theo luật, Quỹ BHYT mới chi trả cho khám và điều trị ung thư chứ chưa chi cho việc tầm soát ung thư. Tầm soát ung thư rất tốn kém vì vậy cần có chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc từ nguồn khác để tầm soát và chúng ta cần phải nâng cao công tác y tế dự phòng hơn nữa.
Theo Luật BHYT, chưa có chi phí cho tầm soát ung thư sớm mà mới chi trả cho việc khám bệnh và chữa bệnh cho những bệnh nhân có nghi ngờ dấu hiệu. Ví dụ, dấu hiệu liên quan đến phổi, đến gan khi đi khám chữa bệnh phát hiện ung thư thì quỹ BHYT mới chi trả còn những trường hợp người khỏe mạnh sau đó đi khám bệnh và tầm soát thì BHYT lại không chi trả. Chúng tôi cũng có khuyến cáo người dân, đặc biệt là người lao động hãy thực hiện việc chăm sóc sức khỏe của mình hoặc là đi khám theo cơ quan, theo nhà trường để phát hiện sớm được nếu chẳng may bị ung thư./.