Sáng 7/10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác ứng phó bão mạnh, siêu bão với các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

ung_pho_bao_tr_atwt.jpg
Hội nghị trực tuyến về công tác ứng phó bão mạnh, siêu bão
Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy: Dựa vào các tiêu chí như mùa bão, các tháng nhiều bão trong năm; Tần số bão trong năm; Tình hình mưa do bão, khu vực ven biển của Việt Nam được chia thành 5 vùng chịu sự ảnh hưởng khác nhau của bão mạnh và siêu bão gồm: Quảng Ninh - Thanh Hóa, Nghệ An - Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng - Bình Định; Phú Yên - Khánh Hòa; Ninh Thuận - Cà Mau. Trong đó, vùng Quảng Ninh - Thanh Hóa đã từng ghi nhận cường độ bão cấp 15. Khi bão mạnh, hoặc xảy ra siêu bão, vùng ven biển Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng của bão với cường độ từ cấp 12, 13 đến cấp 15, 16 kèm theo nước dâng do bão từ 3- 6m.

Ở các tỉnh ven biển và vùng trũng thấp như: Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải ứng phó với nguy cơ gió mạnh và ngập lụt do nước biển dâng; các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên phải ứng phó với gió mạnh và mưa lũ sau bão…

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng: Chủ động đối phó với siêu bão khi có cảnh báo thông qua các phương án, kế hoạch và kịch bản ứng phó với bão phải thật chi tiết, cụ thể.

“Đánh giá về bão mạnh, siêu bão chúng ta phải xem xét tất cả các yếu tố gồm: hoạt động trên biển, vùng ven biển, vùng sâu trong đất liền. Có 3 nhóm vấn đề, thứ nhất là phải nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm với mỗi cơn bão, mỗi đợt triều cường ở mỗi vùng là khác nhau cho nên chúng ta không thể có sẵn kịch bản. Thứ hai là nâng cao khả năng tự ứng phó của nhân dân, cung cấp thông tin để người dân hiểu được bão mạnh, siêu bão khi bão vào tác động đến từng vùng ra sao. Thứ ba, rất nhiều vùng đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà tránh trú bão, khi bão xảy ra đặc biệt là khi nước biển dâng để người dân có chỗ tránh trú”, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nêu ý kiến. 

Những năm gần đây trên thế giới xảy ra nhiều trận bão mạnh, siêu bão gây thiệt hại lớn về người và tài sản như: bão Katrina đổ bộ vào Hoa Kỳ năm 2005, bão Nargis đổ bộ vào Myanmar năm 2008, bão Bopha đổ bộ vào Philippines năm 2012… Đặc biệt, siêu bão Hải Yến (Haiyan) năm 2013 là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Philippines với gió mạnh trên cấp 17, nước dâng cao tới 7m, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. 

Để đối phó với những cơn bão mạnh như vậy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, các cấp, các ngành, các địa phương cần thực hiện tốt, khẩn trương nhiều phương án trên cơ sở xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp với đặc thù tự nhiên của từng vùng; Tiếp tục thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, đồng thời tuyên truyền, vận động kịp thời người dân địa phương thực hiện nghiêm túc các phương án di dời; Các cơ quan chức năng phải không ngừng nâng cao năng lực dự bão bão và cảnh báo các hiện tượng thiên nhiên bất thường có thể xảy ra./.