Hai cơn bão gần nhất, bão số 2 và số 3 đều có tâm bão vào Quảng Ninh, với sức gió vùng tâm bão đều giật cấp 12, trên cấp 13. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh đã không có thiệt hại về người, công tác phòng chống lụt bão luôn được chủ động và nhận được sự đồng thuận từ chính quyền đến người dân. Hàng chục nghìn dân đã được di dời an toàn, đảm bảo tính mạng và tài sản. Đây là những thành công và là bài học quý báu trong công tác phòng chống lụt bão của tỉnh Quảng Ninh.

Nếu siêu bão số 2 (diễn ra vào cuối tháng 7) với đường đi vòng vèo và thay đổi hướng liên tục, thì bão số 3 lại đi thẳng với tốc độ rất nhanh, tăng cấp liên tục và xuất hiện vào cuối thu- thời điểm mà rất hiếm khi có bão ở miền Bắc.

a3_nmxw_ikuf.jpgHình ảnh bão số 3 càn quét qua Quảng Ninh (Ảnh: Sỹ Hào)

Bão lũ đã không còn theo quy luật và luôn có diễn biến phức tạp, bất thường. Để giảm thiểu những thiệt hại do mưa bão gây ra đòi hỏi sự chủ động của cả người dân cũng như chính quyền địa phương. Trong đó bảo vệ an toàn tính mạng người dân lại là yêu cầu luôn được đặt lên hàng đầu.

Việc di dân tránh bão là việc làm thường xuyên của chính quyền cơ sở, đây là vấn đề không mới nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự vì vẫn đang tồn tại bất cập. Đó là những thông tin dự báo có chính xác khi quyết định di dân không? Vấn đề này các tỉnh Bắc Trung Bộ đã vấp phải những bài học khi dự báo bão lớn đổ bộ vào, tổ chức di dân trên diện rộng, nhưng khi bão vào bờ với cường độ nhỏ đã khiến người dân sau này chủ quan trước những thông tin về di dời tránh bão. Rồi câu chuyện người dân nán lại trên thuyền, bè nuôi trồng thủy sản để bảo vệ tài sản khi bão vào…

Từ những bài học trên, ứng phó với bão số 2 và số 3, tỉnh Quảng Ninh đã kiên quyết chỉ đạo, kiên trì thuyết phục, rất hiếm khi phải cưỡng chế để việc di dân phải tiến hành triệt để. Với đặc thù của tỉnh có cả cư dân sống ven biển, ven sông, miền núi… việc di dời dân mỗi địa phương có một đặc thù riêng. Do đó, việc di dời cần cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt.

Ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết: “Chúng tôi tập trung phòng tránh là chính; chỉ đạo kiên quyết di chuyển dân sinh sống ở các khu chung cư cũ ở thành phố Hạ Long”.

Trong bão số 3 vừa qua toàn tỉnh Quảng Ninh đã di dời hơn 10.500 người tới các khu vực tránh bão an toàn. Trước đó bão số 2, di dời 7.500 người dân trong vòng 13 tiếng tại thành phố Móng Cái, để dân được an toàn. Tỉnh Quảng Ninh cũng không có bất cứ thiệt hại về người trong bão số 2 và số 3. Nếu như so sánh với những tỉnh lân cận, dù không nằm trong tâm bão như Quảng Ninh, chỉ ảnh hưởng của hai trận bão vừa rồi vậy mà con số hàng chục người thiệt mạng, để thấy đây là thành công rất lớn trong việc phòng chống bão lũ của Quảng Ninh.

Bên cạnh sự quyết tâm, vào cuộc của hệ thống chính trị thì một trong những yếu tố quyết định sự thành công là có sự phối hợp, ủng hộ của người dân. Công tác tuyên truyền cho người dân hiểu được công việc di dời cần thiết và sẵn sàng thực hiện. Người dân cũng tự nhận thức việc bảo vệ an toàn cho bản thân và gia đình.

Sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống lụt bão của tỉnh Quảng Ninh gần như được viết thành “giáo án” cho mỗi cán bộ trong tỉnh. Hầu hết cán bộ từ tỉnh đến cơ sở đều thuộc lòng kịch bản ứng phó với siêu bão. Hầu hết là hoãn các cuộc họp, hội nghị - ngay cả kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi bão số 3 đổ bộ cũng tạm gác để dành thời gian cho chống bão. Từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh… đều tỏa theo các mũi về tận cơ sở trực tiếp chỉ huy, cùng nhân dân chống bão. Ngay tối 16/9, dù vừa tháp tùng đoàn công tác Chính phủ đi công tác nước ngoài, Phó Chủ tịch Đặng Huy Hậu lao ngay về văn phòng tỉnh, thay bộ quân phục lại lên đường đi chống bão.

Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát – Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, người trực tiếp chỉ huy công tác phòng chống lụt bão ở tỉnh Quảng Ninh trong bão số 2 và số 3 đã đánh giá cao sự chủ động trong công tác phòng chống mưa bão của chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Nhờ hành động quyết liệt nên mặc dù cơn bão xảy ra mạnh trên diện rộng nhưng không có thương vong về người, thiệt hại được hạn chế đến mức tối thiểu.

Xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, tổ chức ứng trực, di dân… thì địa phương nào cũng triển khai. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng triển khai một cách hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão, lũ gây ra như tỉnh Quảng Ninh. Những kinh nghiệm này là bài học quý báu cho các địa phương trong công tác phòng chống lụt bão./.