Bãi tập kết rác ở ấp Dân Thắng 1, xã Tân Thới Nhì được huyện Hóc Môn giao cho Công ty Dịch vụ Công ích huyện Hóc Môn giám sát và khai thác. Trung bình mỗi ngày có khoảng 30- 50 lượt xe chở rác thải sinh hoạt tập kết về đây khiến môi trường khu vực này bị ô nhiễm. Ông Phạm Trọng Triệu, nhà ngay cạnh bãi tập kết rác cho biết, 3 năm nay gia đình ông phải gánh chịu mùi hôi thối, ruồi bọ, nước thải từ bãi tập kết rác gây ra. Không những vậy, xe chở rác hoạt động liên tục từ 3 giờ sáng khiến sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

“Mùi hôi thối cộng với tiếng ồn ào của xe cộ suốt ngày đêm. Xe này đổ, xe kia vào nước rác chảy xuống. Cư dân ở đây bất lực rồi"- ông Phạm Trọng Triệu bức xúc.

Người dân ở ấp Dân Thắng 1 đã nhiều lần kiến nghị di dời bãi rác, nhưng đến nay đâu vẫn vào đó. Theo ông Lê Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Thới Nhì, dù mới nhận công tác tại địa phương được 2 tháng nhưng ông đã nhận được rất nhiều ý kiến của người dân về tình trạng gây ô nhiễm ở đây. Ông Tuấn cũng đã có báo cáo, kiến nghị lên cấp trên về việc di dời bãi tập kết rác này nhưng vẫn chưa thấy phản hồi. 

Hay như ở hẻm 80 đường Bình Chiểu, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức có một bãi tập kết rác tồn tại hơn 10 năm nay làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân ở đây bởi sự ô nhiễm. Bãi tập kết rác này không có bờ bao che chắn, rác thải phế liệu đổ ngổn ngang, trời nắng bốc mùi hôi thối, trời mưa thì biến thành ao tù nước đọng.

Bà Nguyễn Thị Huyên, Tổ trưởng Tổ dân phố 3, KP.3 thuộc phường Bình Chiểu cho hay: “Những ngày mưa nước tồn đọng trong bao bịch gây ô nhiễm, nếu có dịch sốt xuất huyết thì phường cho người xuống phun muỗi. Bình thường như thế này, tôi đã đề nghị nhưng cũng chưa có đơn vị chức năng phản hồi, quan tâm”.

Với những bãi tập kết rác đang tồn tại gây bức xúc, chính quyền các địa phương của TPHCM cần phải có biện pháp giải quyết ngay để người dân không phải sống chung với rác và ô nhiễm môi trường./.