Trận mưa lũ trong 3 ngày liền do hoàn lưu cơn bão số 2 gây ra, đã làm 13 người dân của 4 tỉnh Tây Bắc thiệt mạng. Ngoài 3 trường hợp bị sét đánh ở Lào Cai, 10 nạn nhân còn lại ở tỉnh Lai Châu, Sơn La và Điện Biên đều bị nước cuốn khi đi qua sông, qua suối lúc có mưa lũ. Điều này cho thấy sự chủ quan của người dân đã dẫn đến thiệt hại tính mạng. Đây là bài học đau xót để mỗi người dân rút kinh nghiệm trong mỗi mùa mưa bão.

 

nan_nhan_lu_cuon_1_vboq_lsxm.jpgNạn nhân Giàng Thị Lao (ở Lai Châu) thiệt mạng do mưa lũ, để lại 2 con còn quá nhỏ, khiến nhiều người không thể cầm lòng.

Trước đó, vào sán  21/7, bà Tòng Thị Dẹn (SN 1955) và con dâu là Tòng Thị Pâng (SN 1972) cùng ông Lò Văn Mít (chồng bà Dẹn) đi qua sông Nậm Mu thuộc địa phận xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên. 3 người đi làm nương lâu ngày, nóng lòng muốn về nhà nên đã đi tắt qua dây cáp treo. Những ngày bình thường, người dân thường đi lại qua chiếc cầu treo Nậm Cần cách đó không xa. Còn chiếc cáp này chuyên vận chuyển cây giống phục vụ trồng rừng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Quyết Tiến, tỉnh Lai Châu. Do nước lớn, cột cáp treo đã bị xói mòn, dây trũng, 2 mẹ con bà Dẹn đi trước, ra đến giữa sông thì bị nước cuốn đi. 

Ngay sau đó, ông Mít báo với người dân để gọi người khẩn trương tìm kiếm nạn nhân. Sau gần 1 ngày mòn mỏi mong tin, thi thể của bà Dẹn được tìm thấy tại bến phà xã Nậm Sỏ, cách địa điểm trôi nhiều km, còn thi thể cô con dâu đến ngày hôm nay vẫn chưa tìm thấy. 

Sự ra đi đột ngột của mẹ con bà Dẹn khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng, xót xa xen lẫn sự tiếc nuối – giá như mọi người không chủ quan thì đâu phải đánh đổi tính mạng như vậy. Dù chính quyền đã chủ động tuyên truyền, cảnh báo, nhưng sự chủ quan này cũng khiến chính quyền địa phương không đối phó nổi.

Ông Hà Trọng Hải, Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: “Người dân chủ quan là sống dưới sông nước quen rồi nên khi lũ tới, bà con vẫn mang chài, vợt ra bắt cá. Mặc dù chúng tôi đã huy động lực lượng dân quân chặn lại không cho người dân đi đánh bắt cá, không cho đi qua sông suối vào lúc nước lũ nhưng cũng không thể kiểm soát được hết vì địa hình ở đây rất phức tạp”.

Cũng trong sáng 20/7, tại bản Tang Lang, xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, hai chị em Đinh Thị Chi  và Đinh Văn Quang bị nước cuốn khi qua suối chăn trâu.  Cái chết của hai đứa trẻ làm người dân trong bản bàng hoàng thương xót khi cháu Chi mới 8 tuổi và cháu Quang 7 tuổi. Tuổi còn quá nhỏ để vất vả dầm mình trong mưa dắt trâu qua suối, không có sự quan tâm cảnh báo  từ gia đình.

Theo Ông Cầm Ngọc Liên, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, qua sự việc này cho thấy một số xã, trong đó có xã Đá Đỏ đã báo cáo không kịp thời. Về phía huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở và có biện pháp nghiêm khắc để xử lý sự việc này.

Được biết, sau những sự việc trên, trong công điện phòng chống lụt bão mà Ủy ban nhân dân các tỉnh miền núi Tây Bắc gửi cho các địa phương đều nêu rõ: Những ngày tới, các xã tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân không qua sông, qua suối khi có mưa lớn xảy ra; không đi làm nương khi có mưa lớn; quản lý chặt chẽ trẻ em không ra những nơi gần sông, suối, hồ nước trong mùa mưa lũ. Biện pháp là vậy, song cùng với sự chủ động đối phó với mưa lũ của chính quyền địa phương, bà con cần hết sức cảnh giác để giữ mạng sống cho chính mình./.