Hà Nội vừa ghi nhận một người đàn ông 50 tuổi không qua khỏi vì bệnh dại, như vậy, số tử vong vì bệnh này đã vượt 40 ca trên cả nước, từ đầu năm đến nay.
Trước khi tử vong 2 tháng, người đàn ông 50 tuổi ở Hà Nội đã tham gia giết mổ chó cùng một số người khác. Trường hợp này không xác định rõ bị cắn hay có vết thương khi mổ chó. Ông cũng chưa tiêm vaccine phòng dại hay huyết thanh kháng dại.
Người bệnh có triệu chứng đau đầu, sốt, mệt mỏi, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, khó thở và được nhập viện. Diễn tiến ngày càng nặng hơn, ông tử vong vào tối 19/10. Mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus dại.
Theo các bác sĩ, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ổ chứa virus dại trong thiên nhiên là động vật có vú như chó, mèo, chồn, cầy, dơi, cáo... Ở Việt Nam, chó là ổ chứa virus dại chủ yếu (chiếm 97%), sau đó là mèo (khoảng 3%)...
Hiện tại, chưa có thuốc chữa được bệnh dại. Một khi triệu chứng xuất hiện, người nhiễm virus dại có nguy cơ tử vong gần như 100%.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Điều hành Trung tâm xét nghiệm Y sinh học lâm sàng và dịch vụ Khoa học kỹ thuật, Viện Pasteur TP.HCM, hầu hết người tử vong vì bệnh dại là do không tiêm vaccine phòng ngừa sau khi bị động vật cắn, cào, liếm lên vùng da bị tổn thương.
Bác sĩ Tuấn cho hay, người dân thường nghĩ "chó mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao", hoặc có thói quen theo dõi động vật cắn trước, nếu có vấn đề gì mới đến cơ sở y tế để tiêm phòng. Đây là các quan niệm không đúng. Tiêm ngừa dại là đặc biệt cần thiết, tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật cắn. Nhất là trong trường hợp nạn nhân bị cắn ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ….
Ngoài ra, việc tự ý điều trị bằng thuốc Đông y hoặc đi lấy nọc chó cắn dễ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Tuấn lưu ý, tâm lý sợ tác dụng phụ của vaccine dại cũng là một rào cản khiến người dân ngại đi tiêm phòng sau khi phơi nhiễm.
Còn theo tiến sĩ, bác sĩ Dương Bích Thủy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, người dân cần thực hiện phối hợp nhiều biện pháp phòng bệnh dại, bao gồm: cảnh giác với động vật có nguy cơ lây bệnh dại; chích ngừa dại cho chó, mèo…; phòng bệnh trước tiếp xúc ở các đối tượng nguy cơ cao và phòng bệnh dại sau tiếp xúc.
Phòng bệnh dại sau khi tiếp xúc với động vật nghi dại/bị dại/mất theo dõi, được chia thành 3 nhóm.
Nhóm 1: Sờ, cho động vật ăn hoặc bị liếm trên da lành. Đây là nhóm không tiếp xúc và không cần dự phòng
Nhóm 2: Vết cắn trên da trần (chưa xuyên thấu da) hoặc vết xây xát nhỏ trên da không chảy máu. Đây là nhóm ít nghiêm trọng. Người bị cắn cần xử trí vết thương đúng cách và lập tức tiêm vaccine phòng dại. Ngưng tiêm nếu con vật vẫn khỏe mạnh sau 10 ngày theo dõi hoặc được xét nghiệm là không nhiễm virus dại.
Nhóm 3: Có một hoặc nhiều vết cắn xuyên thấu da hoặc liếm trên da bị tổn thương; Dính nước bọt trên niêm mạc (liếm) hoặc có các tiếp xúc với dơi. Theo bác sĩ Thủy, đây là nhóm nghiêm trọng.
Khi đó, người bị con vật cắn/liếm lập tức xử trí vết thương đúng cách, tiêm ngay vaccine và huyết thanh kháng dại (ngưng tiêm nếu con vật vẫn khỏe mạnh sau 10 ngày theo dõi hoặc được xét nghiệm là không nhiễm virus dại).
Cách xử trí đúng cách với vết thương do chó, mèo... gây ra, cụ thể như sau:
- Rửa ngay vết thương với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
- Vết thương sau khi rửa bằng nước cần được rửa kỹ với cồn 70% hoặc cồn i-ốt, nếu có.
- Đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.
Người bị chó mèo cắn, cào, tuyệt đối không được:
- Đi lấy nọc, đắp thuốc nam, hoặc đắp lá cây, bã cà phê, ớt bột, nước ép , nhựa cây… lên vết thương.
- Rạch hoặc làm dập nát thêm vết thương. Không nên khâu kín vết thương. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn hoặc chỉ nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi.
Trước đó, cuối tháng 9, Bộ Y tế đã cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh dại trên cả nước. Năm 2022, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Cụ thể, Bến Tre có 12 ca tử vong do dại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021), Kiên Giang có 5 ca (cùng kỳ năm 2021 ghi nhận 1 ca), Gia Lai có 4 ca (cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong)…
Một trong những nguyên nhân khiến bệnh dại có chiều hướng tăng là do nhận thức của người dân về căn bệnh còn hạn chế. Ngoài ra, công tác quản lý đàn chó còn lỏng lẻo, tỷ lệ tiêm vaccine dại trên chó thấp…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật nhiễm dại hoặc nghi bị dại cắn, phải được điều trị dự phòng bằng vaccine; khoảng 59.000 người tử vong vì bệnh này. Các trường hợp tử vong chủ yếu được báo cáo ở các nước thuộc vùng nhiệt đới./.