Chó nuôi coi nhà của gia đình bà Phan Thi Nga (ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) bỗng cắn một người trong xóm. Con chó không có biểu hiện bất thường nhưng để an toàn người bị chó cắn vẫn đi tiêm vaccine phòng bệnh dại và chi phíngười chủ nuôi phải chịu.

Bà Phan Thi Nga cho biết: "Người ta sợ nên đi lấy nọc 1 lần với chích ngừa 3 mũi vaccine. Chi phí nhà tôi phải chịu hết, mất hơn 1 triệu đồng. Hôm rồi chính quyền cho nhân viên tới từng nhà tiêm vaccine phòng dại trên chó, mèo. Tôi đã tiêm hết, mỗi con 40.000 đồng, tuy nhiên, nhiều nhà ở đây cũng chưa chịu tiêm".

Mặc dù chi phí tiêm ngừa vaccine dại cho chó nuôi không mắc, còn chi phí phải chi trả để người bị chó cắn đi tiêm ngừa là rất cao. Tuy nhiên, tại các vùng nông thôn như gia đình bà Nga, việc tiêm ngừa phòng dại còn chưa được chú trọng. Không chỉ vậy, tỷ lệ tiêm ngừa dại cho chó mèo trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang ở mức thấp. Theo Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau, số lượng đàn chó, mèo của tỉnh đạt hơn 143.000 con. Đến tháng 9, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại mới chỉ đạt khoảng 15% trên tổng đàn. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự chủ quan của người nuôi.

Ông Quách Minh Quốc, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau nêu rõ: "Đàn chó của tỉnh Cà Mau đông hàng đầu tại vùng ĐBSCL. Số hộ nuôi đa số là hộ dân nông thôn. Bà con nuôi chó mục đích để giữ nhà, do đó rất khó khăn trong công tác tiêm phòng. Tuy tiêm phòng cho 1 con chó chỉ tốn khoảng bốn năm chục ngàn sẽ miễn dịch một năm. Nhưng một hộ ở trong thôn, thông thường người ta nuôi 3 - 4 con, cũng vì vậy mà họ cũng ngại trên phòng". 

Xuất phát từ thực trạng đã nêu, đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau xuất hiện 8 ổ bệnh dại ở 6 địa phương. Hệ lụy đã làm 5 người tử vong. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau cho biết, bệnh dại có thể phòng ngừa được. Tiêm vaccine phòng bệnh Dại là biện pháp duy nhất để phòng bệnh, tuy nhiên, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan hoặc lựa chọn điều trị không phù hợp nên để lại hậu quả đáng tiếc.

"Bệnh dại hoàn toàn có thể ngừa được nếu bị chó, mèo cào, cắn. Chúng ta có thể phòng bệnh bằng cách tiêm ngừa đủ liều, điều này hết sức quan trọng. Các biện pháp điều trị theo dân gian, chẳng hạn lấy nọc hay là dùng thuốc nam, thuốc đông y và cả các biện pháp dân gian khác để điều trị bệnh dại thì hoàn toàn không có hiệu quả"- ông Dũng nhấn mạnh.

 Theo Sở Y tế Cà Mau, bệnh dại được gây ra chủ yếu do chó cắn chiếm 96%, còn lại là do mèo. Để chủ động phòng, chống bệnh dại người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Nuôi chó, mèo phải xích, nhốt, tuyệt đối không để chó, mèo chạy rông, khi ra đường phải có người dẫn và bịt miệng; Phải tiêm ngừa vaccine đầy đủ cho chó, mèo và tiêm nhắc lại hàng năm theo hướng dẫn của ngành thú y; Người bị chó, mèo cắn, cào cần làm sạch vết thương ngay, không tự ý nặn máu, không băng kín vết thương, sau đó phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý vết thương và được tư vấn tiêm ngừa phòng bệnh dại kịp thời; Tuyệt đối không tự điều trị và không nhờ thầy lang điều trị./.