Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, sau 1 tuần đầu khai thác thương mại (từ ngày 21-27/11), tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đã vận hành 1.421 chuyến tàu. Mỗi ngày có 203 chuyến phục vụ khách, từ 5h 30 đến 22h, tần suất 10 phút/chuyến dừng tại ga.

Cụ thể, theo ông Vũ Hồng Trường -Tổng Giám đốc Hanoi Metro, sau 7 ngày đầu khai thác thương mại, tàu Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển 113.024 lượt hành khách, đạt bình quân 16.146 khách/ngày.

“Như vậy, tính trung bình mỗi chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông có 79,5 khách, tương đương 8,2% sức chở tối đa của đoàn tàu (mỗi đoàn được thiết kế với sức chở tối đa 960 người)”, ông Trường cho biết.

Theo ông Trường, trong 7 ngày đầu khai thác thương mại, tỷ lệ khách đi tàu bằng vé lượt chiếm 75,7%, vé tháng 20,3% và vé miễn phí 4%. So với 15 ngày vận hành miễn phí trước đó, khách đi tàu thường xuyên bằng vé tháng có xu hướng tăng, khách đi trải nghiệm có xu hướng giảm vì đã đi trải nghiệm nhiều trong 15 ngày miễn phí.

Để đáp ứng nhu cầu gửi xe của người dân khi đi tàu Cát Linh - Hà Đông, TP Hà Nội đã yêu cầu các quận có ga đường sắt đi qua bố trí điểm trông giữ xe hợp lý. Đến nay, cơ bản các quận đã bố trí đủ các điểm gửi xe.

"Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội phối hợp Sở GTVT cùng chính quyền địa phương tập trung kiểm tra, xử lý những vấn đề nóng phát sinh, đặc biệt là tình trạng lợi dụng đông người đến trải nghiệm tàu Cát Linh - Hà Đông để thu giá vé trông giữ xe quá mức quy định", ông Trường nói.

Khẳng định đối tượng đường sắt đô thị hướng tới nói chung và tuyến Cát Linh-Hà Đông nói riêng là những người đi lại thường xuyên vào giờ cao điểm để tránh ùn tắc, ông Vũ Hồng Trường cho rằng, mỗi phương thức vận tải đô thị chỉ đáp ứng một số đối tượng nhất định nên cần có hệ thống.

“Một tuyến đường sắt đô thị như Cát Linh-Hà Đông không thể giải quyết được tất cả vấn đề nhưng là sự khởi đầu tốt đẹp về giao thông công cộng”, ông Trường nói.

Cũng theo ông Trường, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đã bắt nhịp rất nhanh với mạng lưới vận tải công cộng của Hà Nội, được người dân đón nhận rất tích cực.

“Điều quan trọng nhất là 100% số chuyến tàu vận hành đảm bảo an toàn, thông suốt, không xảy ra bất kỳ sự cố nào. Lượng khách đi vé tháng đang tăng dần và ổn định” - ông Vũ Hồng Trường thông tin.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) có tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỉ đồng (tương đương với 552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỉ đồng (tương đương với khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, nhiều lần điều chỉnh tiến độ.

Toàn tuyến Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13km, tàu đi mất 23 phút nếu dừng tất cả 12 ga, thời gian dừng mỗi ga dự kiến 45 giây. Nếu tàu chạy từ điểm đầu - ga Cát Linh, đến điểm cuối - ga Yên Nghĩa và ngược lại không dừng chỉ mất 13 phút, không gặp bất kỳ trở ngại nào do chạy ở đường riêng. Do vậy, việc di chuyển của người dân khi đi lại các tuyến đường dọc theo dự án là rất nhanh chóng, thay vì phải rề rà trên những chiếc xe cá nhân như trước.

Sau 15 ngày vận hành miễn phí, từ ngày 21/11, hành khách đi tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ phải mua vé lượt từ 8.000 đến 15.000 đồng; vé ngày 30.000 đồng và vé tháng 200.000 đồng. Vé tháng giảm 50% cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.

Về kết nối song song với phương tiện vận tải hành khách công cộng, dọc đường sắt có 52 tuyến xe buýt, riêng ga Cát Linh có 16 tuyến. Để giúp người dân thuận tiện kết nối xe buýt với đường sắt, Hà Nội đã bổ sung, điều chỉnh nhiều điểm dừng đỗ, xây thêm 14 nhà chờ./.