Như tin đã đưa, ngày 26/3, UBND TP Đà Nẵng đã thông báo Kết luận của lãnh đạo UBND thành phố về triển khai thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy đối với hoạt động sản xuất thép của 2 Công ty cổ phần thép Dana - Ý và Dana - Úc tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang.

Theo đó, kể từ ngày 26/3, 2 nhà máy thép được phép hoạt động trở lại để giảm thiểu thiệt hại. Việc cho 2 nhà máy thép hoạt động trở lại nhằm xử lý những tồn đọng liên quan của doanh nghiệp và giảm thiểu các thiệt hại phát sinh khi dừng hoạt động theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, cuộc sống của người dân khu vực gần 2 nhà máy vẫn chưa được giải quyết ổn thoả.

vov_nm3_ddlh.jpg
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, ở tổ 4, thôn Vân Dương 1, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang cho rằng, việc cho hai nhà máy hoạt động tạm thời cần phải có lộ trình rõ ràng.

“Thành phố phải có Quyết định rõ ràng và có sự nhất trí của toàn dân. Dù nhà máy có nghỉ cũng phải theo lộ trình cụ thể là bao nhiêu tháng, từ ngày nào đến ngày nào kết thúc mà không thể nói chung chung”, ông Hùng nêu rõ.

Thông báo mới của UBND TP Đà Nẵng về 2 nhà máy thép ghi rõ: Trong thời gian hoạt động trở lại, cùng với việc tuân thủ nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường, đề nghị 2 Công ty không thực hiện việc mở rộng hoạt động sản xuất, không giao kết hợp đồng mua nguyên vật liệu là phế liệu để sản xuất thép.

Tuy nhiên, theo người dân địa phương, thời gian qua, 2 Công ty vẫn tiếp tục nhập nguyên liệu. Lãnh đạo các doanh nghiệp này cũng cho rằng, họ không sai khi xuất, nhập hàng. Với lượng nguyên liệu ứ đọng hiện nay thì phải hết 1 năm nhà máy mới sản xuất hết nguyên liệu đã nhập về.

Nhiều người dân ở 2 thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang đồng tình với việc UBND TP Đà Nẵng cho phép 2 nhà máy hoạt động trở lại và thực hiện dừng hoạt động theo lộ trình.

Cũng có nhiều người muốn di dời khỏi khu vực gần nhà máy, nơi đã bị ô nhiễm thì TP Đà Nẵng lại dừng thực hiện chủ trương di dời như trước đây đã thông báo với bà con.

Ông Phan Văn Minh, ở tổ 3, thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang mong muốn, người dân đã ở đây đã chịu đựng tình cảnh tạm bợ đến 10 năm, trong khi đó nước ngầm đã bị ô nhiễm, nhà cửa hư hỏng và những hệ lụy từ môi trường xảy ra rất lớn.

“Mong các cấp lãnh đạo có hướng giải quyết, di dời bà con thôn Vân Dương 2 ở ngay sát nhà máy, hoặc cho nhà máy hoạt động sau đó di dời theo đúng lộ trình”, ông Minh nêu ý kiến.

Trong khi đó, ông Phạm Tài ở tổ 2, thôn Vân Dương 2, xã Hòa Liên cho rằng, nếu bây giờ có dời nhà máy đi chăng nữa thì 2 thôn cũng đã ô nhiễm nguồn nước.

Theo nguyện vọng của bà con, đề nghị thành phố giải quyết cho bà con về nơi tái định cư mới. Hoặc phương án cho nhà máy sản xuất hết nguyên liệu còn lại, sau đó cho di dời để đảm bảo được cuộc sống của người dân.

Trong khi đa số người dân địa phương muốn di dời đến nơi ở mới để an cư lạc nghiệp, ra khỏi vùng đất bị ô nhiễm, thì thông báo của UBND TP Đà Nẵng lại yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành các thủ tục theo quy định để hủy bỏ chủ trương quy hoạch, di dời, giải tỏa khu vực lân cận 2 Công ty tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang.

Đồng thời, chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng thành phố tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch, sử dụng đất tại khu vực 2 Công ty.

Như vậy, cùng với hủy bỏ việc di dời giải tỏa các hộ dân khu vực lân cận nhà máy theo chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy thì UBND TP Đà Nẵng cũng tiến hành điều chỉnh quy hoạch.

Người dân xã Hòa Liên mong muốn di dời đến nơi ở mới.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, trong quá trình xem xét điều chỉnh quy hoạch, lãnh đạo UBND thành phố tiếp tục lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con.

“UBND thành phố sẽ giao cho huyện Hòa Vang, xã Hòa Liên tiếp tục gặp gỡ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con để có hướng xử lý, phù hợp thực tiễn cũng như chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy. Với những ý kiến về vấn đề môi trường ở khu vực lân cận 2 công ty, UBND thành phố ghi nhận và sẽ báo cáo với cấp có thẩm quyền để sớm có biện pháp kiểm tra, làm rõ và đề xuất hướng xử lý sau đó thông báo sớm cho bà con được biết”, ông Minh khẳng định.

Như vậy, sau quyết định vội vàng đóng cửa 2 nhà máy thép gây ra những thiệt hại ban đầu cho các doanh nghiệp thì nay Đà Nẵng vẫn chưa hết lúng túng khi cho phép 2 nhà máy hoạt động trở lại.

Quyết định đóng cửa rồi cho phép hoạt động trở lại đối với 2 nhà máy của TP Đà Nẵng trong thời gian gần đây chẳng khác nào gỡ chỗ này lại vướng chỗ kia!./.