Mùa xuân lại đến, anh em trong đơn vị chúng tôi quây quần bên mâm cỗ tất niên. Đồng chí chỉ huy đơn vị nâng cốc chúc sức khoẻ mọi người và nói:
- Mùa xuân trước chúng ta đàm luận xung quanh chủ đề về rượu, năm nay ta lại tiếp tục nhé. Đã uống rượu tất nhiên phải hiểu rõ nó và làm chủ được nó, nhất là trong thời điểm hiện nay, anh em nhất trí không?
- Nhất trí! - Mọi người tán thành.
Đồng chí chỉ huy nói tiếp:
- Rượu có từ rất lâu đời, con người đã sáng tạo ra rượu và sử dụng nó. Uống ruợu đã trở thành một tập quán và nó là một loại văn hoá ẩm thực của nhiều dân tộc trên thế giới. Từ rượu đến bia cũng là một sự phát triển.
Đúng vậy! Người xưa có câu: “Cố không rượu như kiệu không cụ”, “Nam vô tửu như kỳ vô phong”… Nhưng ngày nay, xã hội phát triển, thật là không chỉ có đàn ông thích rượu, thích nhậu mà đàn bà cũng thích, không chỉ người già mà cả người trẻ, không chỉ thi nhân mà cả thường nhân, không chỉ dân rỗi việc mà cả giới công chức cũng khoái. Người ta nhậu bất cứ lúc nào: sớm, trưa, chiều, tối, đêm. Còn lý do để nhậu ư? Có đến một nghìn lẻ một lý do, thậm chí chẳng có lý do gì cũng phải nhậu. Nhiều người còn bỏ giờ làm việc, bỏ công sở, đơn vị để đi nhậu, coi đó là một nhu cầu không thể thiếu. Người ta đổ lỗi cho việc tiếp khách, gặp gỡ đối tác, bàn công chuyện làm ăn. Có tâm trạng là có thể nhậu, vui nhậu, buồn nhậu, mà chẳng vui chẳng buồn cũng phải sơ sơ vài vại cho đỡ nhớ!
Gớm! Mới làm một ly mừng Tết mà thủ trưởng đã phê phán ghê quá! - một chiến sĩ nói.
Rượu là phần không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết |
Đồng chí chỉ huy cười:
- Được rồi, cứ bình tĩnh! Ta sẽ nói vấn đề này sau. Các cậu có biết tại sao rượu lại có “ma thuật” như thế?
Rồi ông tuôn ra cả một tràng như bắn súng liên thanh:
- Người xưa có câu: “Rượu ngon bởi vị men nồng/ Người khôn bởi vị giống dòng mới khôn”, “Rượu tăm thịt chó nướng vàng/ Mời đi đánh chén khác làng cũng đi”.
- Rượu ngon phải có bạn hiền “Trà tam, tửu tứ, du hành nhị”, rượu vào lời ra “Tửu nhập ngôn xuất”. Rượu vào, người ta hoạt bát hơn, can đảm hơn, mạnh mồm, nói cả những điều mà nếu không có rượu không dám nói “Ăn lúc đói, nói lúc say”… Rượu không chỉ có “ma thuật” mà nó chính là… “ma men”!
- Lúc có công có việc, lúc bận rộn thì không nói làm gì. Còn lúc “trà dư tửu hậu” thảnh thơi, rãnh rỗi mà ngồi thưởng thức chén trà, nhâm nhi ly rượu thì quả là thú vị! Người ta thường hay nói rượu đi đôi với chè cũng có cái lý của nó, “Rượu cổ be, chè đáy ấm” mà.
- Có thứ rượu quý và ngon như “Chén rượu quỳnh tương” mà “Chén chú chén anh”, “Chén tạc chén thù”, “Chén đầy chén vơi”… thì thật tuyệt vời.
- Khi uống rượu, ta phải biết làm chủ ly rượu của mình vì “Rượu nhạt uống lắm cũng say/ Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”, “Những người chè rượu đêm ngày/ Đã hư công việc lại rầy tiếng tăm”. “Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa/ Sang đâu đến kẻ say sưa rượu chè”. “Ở đời chẳng biết sợ ai/ Sợ thằng say rượu nói dai tối ngày”.
- Hay lắm! Uống rượu còn phải lựa loại rượu ngon mà uống vì “Rượu ngon bất luận be sành/ Áo rách khéo vá hơn lành vụng may”. Đối với chị em, ca dao xưa còn có câu: “Lấy chồng chè rượu là tiên/ Lấy chồng cờ bạc là duyên nợ nần”. Mấy ông cờ bạc không bao giờ “đọ” được với mấy ông chè rượu!
Đồng chí chỉ huy cười:
Dẫu vậy, bất luận trong trường hợp nào cũng phải tránh tình trạng nát rượu, say rượu theo kiểu “say tuý luý”, “say bét nhè”, “say khướt cò bợ”, “Say tít cung thang”… đến mức không biết trời đất gì nữa! Chẳng thế còn có câu: “Tửu nhập tâm như hổ nhập lâm” có nghĩa là rượu vào lòng như hổ vào rừng, nói lên tác hại của rượu phá hoại cơ cơ thể, như hổ giết hại các con vật nhỏ trong rừng…
Ngừng một lát, đồng chí chỉ huy nói tiếp:
- Trở lại ý kiến ban đầu của một đồng chí là hiện nay tình trạng nhậu nhiều quá. Theo tôi, có thể nói đã xảy ra tình trạng lạm dụng rượu bia ở nước ta. Dân nhậu thường có câu: “Rượu bất khả ép/ Ép bất khả từ/ Từ bất khả thi/ Từ từ rồi cũng hết”! Đã không đi nhậu thì thôi, đã nhậu rồi thì khó mà về được, nan giải vô cùng! Mặt hạn chế, mặt tiêu cực của rượu (đúng hơn là của người uống rượu say) ai cũng biết. Theo thống kê của một hãng bia nổi tiếng hàng đầu thế giới, tửu lượng của người Việt Nam đang “khiêm tốn” đứng hạng 3 thế giới, chỉ sau Pháp và Mỹ. Vài năm tới có thể… đứng đầu danh sách “nhậu” của thế giới. Và cung theo một con số thống kê khác, có khoảng 40% vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia và khoảng 11% người tử vong vì tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia. Những con số đủ khiến nhiều người giật mình. Hiểu chưa? Bây giờ chúng ta cùng… uống!./.