Sáng 24/5, phiên tòa xét xử vụ án chạy thận khiến 9 người tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục diễn ra phần tranh tụng.

xet_xu_chay_than55_acbz.jpg
Các bị cáo trong vụ án tại phiên xét xử.

Trong phần tranh tụng với đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa sáng nay, Luật sư Thủy (bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn) cho rằng, để xem xét thấu đáo vụ án thì cần thiết phảilàm rõ trách nhiệm của người ký hợp đồng. Ở đây, ông Trần Văn Thắng (Trưởng phòng vật tư, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) là người đầu tiên phải kiểm tra, xem xét trong vấn đề này, tiếp theo là điều dưỡng.

Theo Luật sư Thủy, trong phiên tòa này, chúng ta chưa ai hỏi về khái niệm điều dưỡng là gì?  "Điều dưỡng là một bộ phận riêng biệt, trực thuộc quyền quản lý của Giám đốc bệnh viện. Điều dưỡng viên liên quan đến tất cả hoạt động của bệnh viện, không có bộ phận điều dưỡng thì bệnh viện khó có thể hoạt động tốt". 

Về trách nhiệm của bị cáo Sơn trong vụ án, luật sư thấy rằng chưa đủ căn cứ để buộc tội nên đề nghị trả hồ sơ để điều tra lại, thay đổi biện pháp ngăn chặn cho bị cáo Sơn được tại ngoại trong quá trình điều tra.

Luật sư đề nghị Viện Kiểm sát để ý để thấy được trách nhiệm kiểm tra với quá trình chạy thận là thuộc về ông Thắng, dù đã được cấp dưới báo cáo nhưng ông Thắng vẫn phải kiểm tra trực tiếp để đảm bảo an toàn. VKS cần phải quan tâm đến cả quá trình chạy thận để xem xét trách nhiệm của từng các nhân, tổ chức.

Viện Kiểm sát khẳng định đủ căn cứ cáo buộc Sơn

Đại diện VKS cho rằng, những nội dung buộc tội các bị cáo được dựa trên hồ sơ điều tra, cáo trạng và diễn biến lời khai tại phiên tòa.

Đại diện VKS tại phiên tòa.

Về việc luật sư cho rằng VKS vi phạm tố tụng căn cứ vào bút lục 2486, VKS khẳng định Viện căn cứ vào nhiều hồ sơ nên không vi phạm tố tụng.

"Chúng tôi xác định nguyên nhân của vụ án không liên quan đến hệ thống máy móc mà do chất lượng nguồn nước nên không cần thiết phải mở rộng điều tra" - đại diện VKS đối đáp.

Theo hồ sơ, ông Trần Văn Thắng phân công nhiệm vụ cho Sơn và đã được Sơn xác nhận tại phiên tòa. Sau khi sự việc xảy ra, Sơn không báo cáo cụ thể lại với ông Thắng nên VKS xác định trách nhiệm của Sơn.

Quan điểm của VKS, cơ quan điều tra và cả tòa án đều đã khẳng định nguồn gốc hệ thống RO số 2 công ty Thiên Sơn cung cấp. Hồ sơ điều tra đã khẳng định về nội dung này.

Viện Kiểm sát đề nghị, về đề trách nhiệm của điều dưỡng, cá nhân có liên quan, nếu tại phiên tòa có tình tiết mới, HĐXX xem xét thêm.

VKS cũng cho rằng, chưa đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình). Việc ông Dương xuất cảnh là được phép vì người này không thuộc trường hợp cấm nên không thể áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Trong phiên xét xử sáng 23/5, đại diện VKS đề nghị bị cáo Hoàng Công Lương từ 30-36 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999, thời gian thử thách là 5 năm. Bùi Mạnh Quốc, từ 5-6 năm tù về tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự năm 1999. Trần Văn Sơn từ 4-5 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999./.