Sáng nay (8/1), Toà án nhân dân TPHCM mở phiên toà xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng (VNCB), nguyên TGĐ Tập đoàn Thiên Thanh và các đồng phạm cùng 45 bị cáo bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Trong số đó 2 bị cáo từng là lãnh đạo Sacombank là Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Phan Huy Khang, nguyên Tổng Giám đốc.

vov_danh_1_fczv.jpg
Bị cáo Phạm Công Danh được rời toà để nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe do quá mệt mỏi.

Trong buổi sáng 8/1, Hội đồng xét xử đã dẫn giải các bị cáo đến phòng xét xử, điểm danh cá nhân, đại diện tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử công khai…

Theo Hội đồng xét xử có trên 70 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Có 7 ngân hàng liên quan, gồm: VNCB (nay là CBBank), Sacombank, TPBank, BIDV, Agribank (Chi nhánh Tân Phú và Láng Hạ), Viet Capital Bank và OceanBank.

Hàng chục công ty và hơn 200 người được toà triệu tập do có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong đó có ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV), ông Trần Quý Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín)...

Trong phần thẩm tra lý lịch tại phiên toà, Chủ toạ thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh toà Hình sự Toà án nhân dân TPHCM đã gọi hỏi đầu tiên bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Xây dựng; tiếp sau là bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng…

Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa sáng 8/1.
Đáng chú ý trong phiên khai mạc phiên toà sáng nay, Chủ toạ đã cho phép bị cáo Phạm Công Danh được rời khỏi phòng xét xử ra ngoài để các nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe vì quá mệt mỏi. Trước đó, tại phiên toà giai đoạn 1, bị cáo này cũng đã phải được chăm sóc y tế y tế ngay tại toà.

Phần cuối buổi sáng nay, Hội đồng xét xử cũng thẩm tra đại diện những người và đơn vị có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Bị cáo Trầm Bê được dẫn giải đến tòa.
Theo cáo trạng, bị cáo Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới dùng pháp nhân 29 công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân đứng tên hồ sơ vay vốn tại 3 ngân hàng. Sau đó, Danh dùng tiền gửi của Ngân hàng Xây dựng tại các ngân hàng này để cầm cố và trả nợ thay, gây thiệt hại cho Nhà nước trên 6.126 tỷ đồng.

Liên đới chịu trách nhiệm trong việc gây thiệt hại số tiền nói trên, cáo trạng xác định hai cựu lãnh đạo Sacombank nói trên đã trực tiếp gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng số tiền 1.835 tỷ đồng.

Trước đó, bị cáo Phạm Công Danh đã bị tuyên phạt 30 năm tù về các tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 9.000 tỷ đồng.

Dự kiến phiên toà diễn ra trong một tháng./.