Sáng nay (26/12), Toà án Nhân dân TPHCM đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Tín - nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM và 4 đồng phạm, cùng bị truy tố về tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" được quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Thị Hà, Phó Chánh Tòa hình sự Toà án nhân dân TPHCM làm chủ tọa. 

vov_huu_tin_uuks.jpg
Bị cáo Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP được dẫn giải đến toà.

Hầu tòa cùng ông Nguyễn Hữu Tín còn có các bị cáo: Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Trương Văn Út, nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; Lê Văn Thanh, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM và Nguyễn Thanh Chương, nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TPHCM.

Các bị cáo bị đưa ra xét xử về hành vi thực hiện các thủ tục bán nhà, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại khu “đất vàng” số 15 Thi Sách, Quận 1 cho Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 không thông qua đấu giá, vi phạm quy định tại Quyết định số 09/2007 và Quyết định số 140/2008 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước và Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.

Liên quan đến vụ việc, Toà án nhân dân TPHCM đã triệu tập đại diện UBND TPHCM, Ban chỉ đạo 09 TPHCM cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài Chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Cục Thuế TP.

Ngoài ra, 6 cơ quan nhà nước khác trực thuộc sở, ngành TPHCM cũng đến tòa theo lệnh triệu tập. Đối với cơ quan cấp Trung ương liên quan đến vụ án, Toà án nhân dân TP cũng triệu tập đến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, giám định viên Bộ Tài chính.

Bào chữa cho ông Tín có luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, Trần Minh Hải (Đoàn luật sư TP HCM). 5 luật sư khác bào chữa cho các bị cáo còn lại.

Trong phần thủ tục phiên tòa, chủ tọa lưu ý: Trong vụ án có một số tài liệu thuộc văn bản mật hoặc tối mật, chưa được giải mật theo quy định của Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước cũng như Nghị định số 33 của Chính phủ ban hành năm 2002. Bởi vậy, tòa đề nghị những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng, đặc biệt là các luật sư lưu ý sử dụng tài liệu theo quy định của pháp luật. Các trường hợp sử dụng tài liệu mật làm lộ bí mật của Nhà nước sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, luật sư Nguyễn Thành Công, bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Đào Anh Kiệt cho rằng, các tài liệu mật là cơ sở xác định sự thật khách quan của vụ án. Các luật sư đã có kiến nghị gửi HĐXX và các cơ quan liên quan đề nghị giải mật, song đến nay chưa có văn bản trả lời, đề nghị Tòa cho phép luật sư được sao chép, sử dụng trong giới hạn, phạm vi nào đó. 

Xác nhận cơ quan chức năng chưa trả lời các kiến nghị của luật sư, song chủ tọa tiếp tục lưu ý người tham gia tố tụng thực hiện theo quy định của pháp luật.

Quá trình xét xử, tòa tiếp tục kiến nghị giải các văn bản mật và tối mật. Tuy nhiên, theo thẩm phán Nguyễn Thị Hà, phần lớn các tài liệu quan trọng liên quan đến vụ án đã được thể hiện trong các bản kết luận điều tra và cáo trạng.

Sau phần thủ tục, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố đã công bố bản cáo trạng dài 15 trang. Theo đó, bị cáo Nguyễn Hữu Tín với tư cách là Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã cùng các đồng phạm thực hiện các hành vi trái pháp luật, tiếp tay cho Phan Văn Anh Vũ thâu tóm nhà, đất công sản có vị trí đắc địa ở TPHCM với giá rẻ, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.

Thiệt hại được xác định là số tiền hơn 6,7 tỷ đồng do Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ được hỗ trợ trái pháp luật và số tiền hơn 802,3 tỷ đồng giá trị quyền sử dụng đất (tính đến thời điểm khởi tố vụ án hình sự ngày 17/9/2018) Nhà nước chưa thu được.

Đồng thời, hành vi vi phạm của các bị cáo tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ và các đối tác xây dựng công trình cao 18 tầng tại vị trí trên, bán và cho thuê 114 khách hàng trong và ngoài nước, thu hơn 1.033 tỷ đồng.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 3 ngày (26, 27 và 30/12)./.