Sau khi đại diện cơ quan công tố luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐQT PVN và 6 đồng phạm liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank), luật sư Phan Trung Hoài (luật sư bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng) là người bào chữa đầu tiên.

Theo ông, có nhiều điểm trong bản luận tội của Viện kiểm sát cần được xem xét lại.

ls_phan_trung_hoai_mqjf.jpg
Luật sư Phan Trung Hoài. (Ảnh chụp màn hình)

“Vấn đề mấu chốt nhất là PVN được góp vốn vào Oceanbank thì pháp luật có cho phép hay không?" –luật sư Hoài đặt câu hỏi.

Sau đó, ông đọc quyết định của Chính phủ về hoạt động của PVN, điều lệ của tập đoàn cho thấy có chức năng đa ngành, đầu tư, góp vốn đầu tư vào các công ty con, trong đó có việc góp vốn vào tổ chức tín dụng.

Trong điều lệ cũng quy định tập đoàn không được đầu tư quá 20% vốn góp vào đơn vị được góp vốn, nếu quá phải xin ý kiến Chính phủ.

Một trong những vấn đề quan trọng, theo luật sư Phan Trung Hoài là cần nhìn nhận và đánh giá về giá trị pháp lý của bản Thỏa thuận 6934 ngày 18/9/2008 và việc ông Đinh La Thăng ký Thỏa thuận này có phải bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng PVN bị mất vốn 800 tỷ hay không.

Theo vị luật sư, bản chất thỏa thuận 6934 là một cam kết 2 bên mang tính chất nội bộ, ghi nhận với nhau những điều kiện cần phải tiếp tục triển khai và bắt buộc phải thông qua các thủ tục nội bộ, sau đó mới trình cơ quan chức năng, HĐQT PVN.

Ngày 30/9/2008, ông Đinh La Thăng đã họp HĐQT, các thành viên đã biết và được báo cáo về thỏa thuận này, trên cơ sở đó quyết nghị, sau đó ông Đinh La Thăng ký quyết định về chủ trương góp vốn vào Oceanbank.

Luật sư Phan Trung Hoài công bố bút lục cho biết, Chính phủ chấp thuận cho PVN được góp vốn 20%; đồng thời giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan liên quan tạo điều kiện cho PVN sớm hoàn thành thủ tục góp vốn, mua cổ phần theo quy định hiện hành.

Ông đặt câu hỏi: “Khi tạo điều kiện như vậy, Bộ Tài chính đã làm gì? Trong cáo trạng chỉ nói không báo cáo theo yêu cầu của Bộ Tài chính. Vậy Bộ yêu cầu tính pháp lý ra sao, nếu không báo cáo thì chế tài nào xử lý? Vấn đề này đã được bỏ lửng. Không thực hiện các yêu cầu của Bộ Tài chính có phải là hành vi vi phạm pháp luật không, phải truy cứu trách nhiệm hình sự của ông Thăng hay không. Mong HĐXX cân nhắc, xem xét” .

Luật sư Hoài cho rằng, việc cáo buộc thân chủ của ông quyết định việc góp vốn dù biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank là có sự nhầm lẫn giữa quyết định của cá nhân ông Thăng với Nghị quyết đã được sự thống nhất của HĐQT.

Theo đó, không chỉ PVN có trách nhiệm đánh giá năng lực của Oceanbank mà chính các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Ngân hàng Nhà nước, NHNN Chi nhánh Hải Dương đều phải xem xét và đánh giá năng lực của cả PVN và Oceanbank trước khi chấp thuận việc tăng vốn điều lệ.

Oceanbank hoàn toàn không phải yếu kém nên đã chấp thuận việc tăng vốn điều lệ, đồng nghĩa với việc đồng ý cho PVN góp vốn mua cổ phần với tỷ lệ 20% của Oceanbank.

Việc cáo trạng quy buộc ông Đinh La Thăng ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn, theo luật sư Phan Trung Hoài, như vậy là chưa chính xác vì nếu chỉ đề cập hành vi ông Đinh La Thăng “ký ban hành Nghị quyết” thì trong cả 3 đợt góp vốn của PVN tại Oceanbank, ông Thăng chỉ ký ban hành Nghị quyết ngày 1/10/2008, còn 2 lần góp vốn sau do người khác ký.

Luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng) tiếp tục đưa ra các lập luận chứng minh thân chủ của ông không vi phạm, không cố ý làm trái. Việc đầu tư của PVN vào Oceanbank là có sự đồng thuận, cho phép của các cơ quan quản lý.

Luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng, lại việc mua Oceanbank 0 đồng là quyết định vội vã, không có căn cứ. Bởi theo nhân chứng Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank khai ngay sau 3 ngày khi có quyết định thanh tra đã thu được 8000 tỷ.

“Để định giá cổ phần người ta tính theo giá trị vốn chủ sở hữu, nếu bằng 0 hoặc âm thì tính giá trị cổ phần bằng 0. Nhưng trên thực tế đó là cách tính cổ điển, không phù hợp, bởi vì liên quan tới giá trị thương hiệu, giá trị các chi phí hành chính, đặc biệt là giấy phép, bí quyết kinh doanh… Trong trường hợp này, tất cả các giá trị mua cổ phần bằng 0 đồng, nhưng sau khi ra quyết định chỉ trong một thời gian ngắn người ta đã thu hồi được gần 10.000 tỷ, vậy gần 10.000 tỷ này là tài sản của ai? Đó là tài sản của các cổ đông, vì họ còn có tài sản thế chấp, các tài sản khác thu hồi được. Do vậy, đây là quyết định vội vã, không chỉ làm ảnh hưởng đến các cổ đông mà còn gây ra hậu quả cho xã hội” - luật sư Thiệp phân tích về việc mua Oceanbank giá 0 đồng

Luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Đinh La Thăng không cố ý làm trái; đồng thời đề nghị hủy quyết định 663 mua giá 0 đồng với các cổ phần của Oceanbank làm thất thoát tài sản của cổ đông trong đó có PVN./.